Do đó, các lực lượng chức năng cần có phương án phân luồng tổ chức giao thông, bố trí người chốt trực tại các “điểm nóng” để hạn chế thấp nhất UTGT.
Khai thác hiệu quả các công trình trọng điểm
Tại cuộc họp về công tác bảo đảm ATGT, tổ chức hôm 7/1, Thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ - Phó Trưởng phòng CSGT cho biết, từ khi đưa cầu Nhật Tân và đường nối cầu đến Sân bay quốc tế Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp) đã giảm tải cho trục Phạm Văn Đồng, Bắc Thăng Long (đường Võ Văn Kiệt). Theo thống kê, lưu lượng phương tiện trên đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt đã giảm khoảng 30%. Tuy nhiên, tình hình giao thông khu vực cầu Nhật Tân và đường Võ Nguyên Giáp vẫn còn lộn xộn và phức tạp. Cùng với đó, lưu lượng phương tiện từ cầu Nhật Tân dồn về đường Xuân La, Lạc Long Quân, Cầu Giấy, Vành đai 3 trên cao khá lớn, dẫn đến ùn ứ giao thông. Để bảo đảm ATGT trên cầu và đường mới, Công an TP đã thành lập Đội CSGT số 15 để bảo đảm trật tự ATGT.
Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ, những ngày qua, người dân quanh khu vực cầu Nhật Tân thường đi xe đạp, đi bộ lên cầu để tham quan, bên cạnh đó, khu vực hai bên đầu cầu đã xuất hiện hàng rong. Lực lượng chức năng những ngày đầu chỉ nhắc nhở người dân và chưa xử phạt. Tuy vậy, lãnh đạo Phòng CSGT cũng kiến nghị cần tổ chức, sắp xếp lại biển báo giao thông ở hai bên đầu cầu và một số địa điểm khác, vì một số biển báo, sơn kẻ vạch chưa đúng quy chuẩn.
Trước ý kiến nêu trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhận định, cụm công trình đường Võ Nguyên Giáp, cầu Nhật Tân đều là những công trình lớn, vì vậy cần tổ chức khai thác cho hiệu quả. Theo đó, giao Sở GTVT và Công an TP tổ chức lại giao thông trên toàn bộ tuyến đường cũng như cầu Nhật Tân, cắm biển báo, phân luồng, bổ sung biển báo chỉ dẫn. Ngoài ra, nghiên cứu tổ chức giao thông ở những khu vực dân cư lân cận, điểm kết nối với đường cao tốc như Nội Bài - Lào Cai, QL2, QL3… Những nút giao từ cầu Nhật Tân về nội đô như nút Bưởi, Xuân La, Cầu Giấy, trục đường Âu Cơ, Nghi Tàm về nội đô cần nghiên cứu, tổ chức lại để hạn chế thấp nhất việc xảy ra ùn tắc. Đồng thời, phân luồng cho toàn bộ phương tiện xe tải từ các tỉnh Đông Bắc bộ đi Tây Bắc theo Đường 5 kéo dài, qua cầu Đông Trù, đi Nhật Tân, không cho lưu thông qua cầu Thanh Trì vào Vành đai 3 để giảm lưu lượng phương tiện đi vào TP. Tại những điểm giao cắt trên đường Võ Nguyên Giáp, cầu Nhật Tân, lực lượng CSGT và Thanh tra GTVT ứng trực 24/24 giờ. Mọi công việc tổ chức, sắp xếp lại giao thông trên tuyến phải xong trong tuần này.
Tổ chức giao thông trục Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái
Theo Sở GTVT, trong thời gian gần đây, tại trục đường Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Nguyễn Khoái, đặc biệt là tại khu vực Bến xe Lương Yên, lưu lượng phương tiện tăng cao dẫn đến quá tải hạ tầng gây ùn ứ, nhất là vào giờ cao điểm. Nếu không có biện pháp tổ chức giao thông tốt, trong thời gian tới sẽ xảy ra UTGT kéo dài. Theo lãnh đạo Bến xe Lương Yên, hiện mỗi ngày tại bến có 380 lượt xe xuất bến, so với quy mô của bến thì lưu lượng này chưa nhiều. Tuy nhiên, Thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ đánh giá, dù lượng xe ra, vào bến không nhiều, nhưng cách thức tổ chức giao thông cho xe ra vào chưa hợp lý gây ùn tắc. Hiện, Phòng CSGT đang xây dựng phương án tổ chức giao thông để giảm ùn tắc.
Để bảo đảm ATGT và giảm thiểu ùn tắc tại trục đường Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Nguyễn Khoái, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng giao các cơ quan chức năng rà soát lại tần suất, biểu đồ hoạt động của bến Lương Yên, trong đó có thể hạn chế xuất bến vào giờ cao điểm để tránh ùn tắc; Nghiên cứu cấm xe tải trên 5 tạ hoạt động vào giờ cao điểm tại trục đường này; Tổ chức cắm biển báo cấm dừng, đỗ xe trên tuyến để bảo đảm giao thông thông suốt… Đồng thời, giải tỏa lấn chiếm hành lang ATGT trên toàn bộ trục đường. Nếu phát hiện xe khách nào xuất bến mà dừng đỗ, lòng vòng bắt khách trên trục đường này, yêu cầu Sở GTVT cắt “nốt”. “Việc tổ chức, sắp xếp lại trật tự ATGT, đô thị tại trục đường phải hoàn thiện xong trước ngày 15/1” - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu.
Các phương tiện lưu thông qua cầu Nhật Tân. Ảnh: Phạm Hùng
|