Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổ hòa giải ở cơ sở: Giải quyết hiệu quả các tranh chấp

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hòa giải ở cơ sở góp phần giải quyết hiệu quả các tranh chấp, mâu thuẫn. Với tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm, các hòa giải viên ở cơ sở đã hòa giải thành công nhiều vụ việc, hóa giải các mâu thuẫn, tranh chấp, đem đến niềm vui cho bà con.

 Một buổi họp của Tổ hòa giải Tổ dân phố Liên Cơ (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm). Ảnh: Hồng Thái

Hóa giải mâu thuẫn

Ông Phan Khắc Dược - Tổ trưởng Tổ dân phố Liên Cơ (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) tham gia nhiều vụ hòa giải cho hay, các gia đình thường xung đột, mẫu thuẫn, tranh chấp trong việc xây nhà. Có trường hợp ở phường Đại Mỗ, một hộ xây nhà thì nhà hàng xóm không cho trát tường, hay trường hợp 2 hộ xích mích chỉ vì nhà này làm mái tôn sang đất nhà kia. Nhiều vụ việc phức tạp, có những gia đình vì lợi ích cá nhân, quyền lợi nhà mình mà gây khó khăn cho hàng xóm. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể, các vụ việc mẫu thuẫn, xung đột trong khu dân cư được hóa giải. Sau khi hòa giải thành công, các gia đình được yêu cầu ký kết cam kết không mâu thuẫn, vi phạm.

13 năm tham gia công tác hòa giải, ông Trương Hồng Ân (Tổ trưởng Tổ dân phố 7, phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây) là chiếc cầu nối bắc nhịp cho chính quyền đến gần hơn với bà con khu phố. Là người sống lâu năm ở tổ dân phố, ông Ân luôn nắm rõ các vụ việc trên địa bàn, hiểu rõ về từng người. Những mâu thuẫn xảy ra ở tổ dân phố, chủ yếu về tranh chấp đất đai, mâu thuẫn giữa cha con, anh em, vợ chồng, hàng xóm, ông cùng tổ hòa giải luôn có mặt kịp thời để giải quyết. “Có trường hợp một hộ gia đình không đồng ý cho hàng xóm xây sát vào tường nhà mình, nên gửi đơn kiện lên phường. Chúng tôi đã giải quyết bằng cách mời cán bộ địa chính xuống đo đạc, kiểm tra toàn bộ diện tích của 2 nhà, phát hiện họ xây dựng không lấn chiếm diện tích của nhau. Cũng chỉ vì lời ăn tiếng nói giữa 2 gia đình chưa vừa lòng nhau nên chúng tôi phải dùng tình cảm hàng xóm láng giềng, đoàn thể để khuyên nhủ, hóa giải tranh chấp, mâu thuẫn” – ông Ân chia sẻ.

Duy trì hòa giải cơ sở

Những người tham gia công tác hòa giải trăn trở, đó là một bộ phận Nhân dân do điều kiện khó khăn về chỗ ở, việc làm, thu nhập, phải bươn chải với cuộc sống, người dân không nghiên cứu về pháp luật, các chính sách, chế độ nên nhận thức còn hạn chế. Tổ hòa giải luôn phải hỗ trợ, tuyên truyền, giúp đỡ người dân về các vấn đề luật pháp, đạo lý, tình người để người dân hiểu biết và chấp hành, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp.

Theo ông Uông Ngọc Thuẩn - Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến Giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, trong những năm qua, hoà giải ở cơ sở luôn được Đảng, Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân quan tâm, tạo điều kiện duy trì, củng cố và phát triển. Nhờ vậy, đến nay hầu hết các thôn xóm, tổ dân phố đều có tổ hòa giải ở cơ sở. Hòa giải góp phần giải quyết hiệu quả các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật ngay tại cơ sở; củng cố, duy trì, phát triển khối đoàn kết, đạo lý truyền thống tốt đẹp, thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Ngoài ra, hòa giải ở cơ sở là một trong các cơ chế giải quyết xung đột xã hội nhân văn, ít tốn kém, hiệu quả cao, giá trị bền vững; góp phần giảm thiểu vi phạm pháp luật, khiếu nại, tố cáo, áp lực cho cơ quan Nhà nước; tiết kiệm thời gian, công sức, tiền của cho Nhân dân; đồng thời góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, ổn định, phát triển đất nước. Thế nên, rất cần duy trì, củng cố, phát triển hòa giải ở cơ sở.
Cả nước có hơn 107.500 tổ hòa giải với hơn 651.000 hòa giải viên. Đội ngũ hòa giải viên đã hòa giải phần lớn mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải trong cộng đồng dân cư. Tỷ lệ hòa giải thành công trung bình đạt gần 80%.

Ông Uông Ngọc Thuẩn - Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến Giáo dục pháp luật