Ông Lại Bá Hà - Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu mở đầu buổi Tọa đàm trực tuyến. |
Tham dự buổi Tọa đàm hôm nay, thay mặt BTC, tôi xin trân trọng giới thiệu sự hiện diện của các vị đại biểu, các vị khách quý:
Ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội
Ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Cục ATVSTP Hà Nội
Bà Hoàng Thị Minh Thu - Phó Chi cục ATVSTP Hà Nội
Ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội
Ông Kiều Cao Trinh - Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Sở GD&ĐT Hà Nội
Ông Lê Hồng Vũ - Trưởng phòng Giáo dục quận Tây Hồ
Bà Lê Thị Thúy Hồng - Phó trưởng phòng giáo dục huyện Gia Lâm
Bà Phan Thị Minh Tuyết - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Dương (quận Tây Hồ)
Bà Trần Thị Diệu Anh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm)
Ông Võ Việt Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội.
Phát biểu khai mạc tại buổi Tọa đàm, ông Lại Bá Hà - Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết: Buổi Tọa đàm là chương trình phối hợp giữa báo Kinh tế & Đô thị và Sở Y tế Hà Nội nhằm tuyên truyền đảm bảo ATTP trường học. Trong những năm vừa qua, việc tuyên truyền ATTP và công tác đảm bảo ATTP trong trường học được báo Kinh tế & Đô thị phối hợp các cơ quan chức năng luôn được quan tâm.
Tuần trước vừa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại trường Mầm non Xuân Nộn, huyện Đông Anh, đây là vụ việc nóng được dư luận quan tâm. Chính quyền các cấp từ TP đến huyện và các cơ quan chuyên môn đã vào cuộc xử lý quyết liệt. Việc đảm bảo ATTP tại các bếp ăn trường học là việc khó đối với mỗi địa phương, đặc biệt với Hà Nội - địa phương có số lượng học sinh đứng tốp đầu cả nước.
"Tôi hy vọng đây là diễn đàn để các đại biểu cùng trao đổi, chia sẻ về công tác đảm bảo ATTP tại các trường học. Đồng thời, cũng để lắng nghe ý kiến những người làm trong ngành giáo dục, y tế về khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ. Qua đó, làm sao tuyên truyền để người dân hiểu và chia sẻ những khó khăn trong quá trình thực hiện việc đảm bảo an toàn bếp ăn trong trường học hiện nay" - ông Lại Bá Hà nói.
Tại Hà Nội hiện nay quản lý trên 66.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 2.793 trường học có bếp ăn bán trú. Trong đó: Mầm non 1.649 trường; Tiểu học 951 trường; THCS 165 trường; THPT 28 trường. Như vậy, số học sinh sử dụng bữa ăn tại trường là rất lớn.
Trong những năm qua, công tác quản lý ATTP các bếp ăn tập thể trường học đã được chú trọng, quan tâm đặc biệt. Thời gian qua Sở Y tế tham mưu cho TP ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác quản lý ATTP tại các bếp ăn tập thể trường học và phối hợp với ngành GD&ĐT trong công tác kiểm tra, tập huấn nâng cao kiến thức ATTP cho các cơ sở, phân công trách nhiệm rõ ràng trong công tác quản lý ATTP bếp ăn tập thể trường học.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng đánh giá, thời gian qua đã xảy ra 1 số vụ ngộ độc thực phẩm, mà điển hình là vụ việc tại trường Mầm non Xuân Nộn, huyện Đông Anh. Bên cạnh đó, việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu, công tác kiểm tra, thanh tra, phối hợp giữa các ngành chức năng cũng còn đang chưa được chặt chẽ.
Phát biểu kết luận buổi Tọa đàm, giao lưu trực tuyến, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết: Sau hơn 2 tiếng, buổi tọa đàm đã có rất nhiều ý kiến trao đổi xoay quanh vấn đề đảm bảo ATTP bếp ăn trường học ở cả phía các nhà quản lý, các trường học và cả phía DN. Mục tiêu của buổi tọa đàm ngày hôm nay chúng ta đã đạt được. Vụ ngộ độc tại trường Mầm non Xuân Nộn (huyện Đông Anh) cũng đã được thông tin để rút kinh nghiệm cho các trường khác trên địa bàn. Vụ việc này đã tìm ra được thực phẩm nguyên nhân gây ngộ độc. Trong vụ việc này, trách nhiệm của cơ quan quản lý huyện Đông Anh cũng đã vào cuộc kịp thời, đang trong quá trình tiếp tục truy cứu trách nhiệm để có nhưng hình thức xử lý nghiêm minh. Chiều nay, thường trực UBND TP cũng sẽ họp về vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm trên địa bàn TP. Qua ý kiến các đồng chí, Sở Y tế xin tiếp thu những ý kiến đóng góp. Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm của Ban chỉ đạo ATTP các cấp. Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa. Trách nhiệm của ban giám hiệu, của phụ huynh trong vấn đề này. Đặc biệt, trách nhiệm của các DN, các nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm trong các bếp ăn trường học. "Chúng tôi cũng lưu ý, các trường học cần phải chú trọng đến cơ sở vật chất tại các bếp ăn trường học. Ngoài ra, trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bếp ăn trường học, việc thanh tra kiểm tra sẽ có sự phối hợp với ban phụ huynh. Việc truy suất nguồn gốc thực phẩm vào trường học sẽ phải siết chặt hơn nữa, như vụ ngộ độc tại Đông Anh vừa qua, cơ sở sản xuất bánh ngọt gây ngộ độc chỉ có một vài công nhân, dây truyền sản xuất đơn sơ nên việc để xảy ra nhiễm khuẩn vào thực phẩm là điều không sớm thì muộn sẽ xảy ra" - Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh. Thông qua buổi tọa đàm này, tôi cũng đề nghị các quận huyện phải thực hiện diễn tập xử lý ngộ độc tập thể, đề phòng trường hợp xảy ra ngộ độc sẽ có hướng xử lý giải quyết nhanh chóng, kịp thời. Hy vọng rằng, sau buổi tọa đàm này, công tác đảm bảo ATTP bếp ăn trường học sẽ được nâng cao hơn nữa. |
-
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội
Ông Trần Văn Chung
-
Chi cục trưởng Cục ATVSTP Hà Nội
Ông Trần Ngọc Tụ
-
Phó Chi cục ATVSTP Hà Nội
Bà Hoàng Thị Minh Thu
-
Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng – Sở GD&ĐT Hà Nội
Ông Kiều Cao Trinh
-
Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội
Ông Khổng Minh Tuấn
-
Trưởng phòng Giáo dục quận Tây Hồ
Ông Lê Hồng Vũ
-
Phó trưởng phòng giáo dục huyện Gia Lâm
Bà Lê Thị Thúy Hồng
-
Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Dương (quận Tây Hồ)
Bà Phan Thị Minh Tuyết
-
Hiệu trưởng Trường Mầm non Thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm)
Bà Trần Thị Diệu Anh
-
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội.
Ông Võ Việt Dũng
Quận Tây Hồ, quản lý 74 nhóm trẻ tư thục. Các nhóm trẻ có từ 30 đến dưới 50 học sinh. Các nhóm trẻ nằm rải rác trên địa bàn và nhiều cơ sở ở rất sâu trong khu dân cư. Nếu mỗi năm rà soát 1 lượt quận cũng gặp khá nhiều khó khăn.
Quận đã có giải pháp kiểm soát đối với các nhóm trẻ công lập, như: Quận yêu cầu lãnh đạo nhóm trẻ tiếp cận nguồn thực phẩm sạch theo cơ quan chuyên môn quận giới thiệu, đồng thời sử dụng phần mềm quản lý xác định khẩu phần ăn trực tuyến. Quận hoàn toàn đánh giá được dinh dưỡng cho trẻ em trong nhóm trẻ công lập. Các nhóm trẻ do mức thu học phí không cao nên rất dễ bị lấy những thực phẩm không đảm bảo an toàn vào trường học, nếu không được kiểm soát.
Bà Phạm Thị Minh Tuyết - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Dương (Tây Hồ) trả lời:
Nhiều năm nay, Trường Tiểu học An Dương đã và đang phối hợp với ban đại diện PHHS trong khâu giao nhận thực phẩm. Chúng tôi cũng có kế hoạch cụ thể phân nhiệm cho từng phụ huynh học sinh thay phiên tới nhà trường cùng bên cung ứng kiểm tra khâu giao nhận đầu vào cho đến cân định lượng sống, định lượng chín đưa vào suất ăn cho học sinh.
Với sự giám sát chặt chẽ từ phía phụ huynh học sinh, quá trình này đã diễn ra rất hiệu quả tại Trường Tiểu học An Dương. Các bậc phụ huynh khi được trực tiếp giám sát các khâu, họ cảm thấy tin tưởng và an lòng hơn với tới suất ăn cho con em, bằng chứng là số học sinh tham gia ăn ngày càng tăng lên.
Việc xây dựng giá thành một suất ăn cho học sinh tại trường có những quy định cụ thể nào về dinh dưỡng và chất lượng?
Ông Cao Kiều Trinh - Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Sở GD&ĐT Hà Nội trả lời:
Giá thành suất ăn cho học sinh được UBND các quận, huyện xây dựng hàng năm dựa trên thực đơn khẩu phần ăn từng cấp học và mặt bằng giá cả thực phẩm tại địa phương.
Về khẩu phần ăn cấp học mầm non đã được Viện dinh dưỡng tính toán và hướng dẫn cụ thể. Đặc biệt, cấp tiểu học được sự hỗ trợ của Viện Dinh dưỡng, Công ty Ajinomoto Việt Nam, Hà Nội đã xây dựng được bộ thực đơn với 40 thực đơn cho 8 tuần không lặp lại, đảm bảo đa dạng thực phẩm cân bằng dinh dưỡng, sử dụng thực phẩm sẵn có tại địa phương; với mức ăn từ 20.000đ/ngày.
Sở GD&ĐT Hà Nội cảm ơn báo Kinh tế và Đô thị đã thông tin về DN phàn nàn việc vào cung cấp thực phẩm cho nhà trường có gặp khó khăn về câu chuyện hậu trường (như hoa hồng… ) ảnh hưởng đến chất lượng suất ăn. Về phía Sở GD&ĐT Hà Nội, đến bây giờ chúng tôi chưa nhận được phản ánh của DN nào về vấn đề này.
Bà Lê Thị Thúy Hồng - Phó trưởng phòng giáo dục huyện Gia Lâm phản hồi về câu trả lời của ông Dũng:
Phòng giáo dục huyện hiện quản lý khoảng 26 trường mần non và 26 trường tiểu học, xấp xỉ 60.000 học sinh, trong đó có khoảng 42.000 học sinh ăn bán trú. Vấn đề ATTP, chúng tôi rất quan tâm, phối hợp với các sở ban ngành về nhằm kiểm soát chất lượng thực phẩm. Ban chỉ đạo thực phẩm an toàn huyện trong đó có đồng chí Phó Chủ tịch huyện Gia Lâm đã trực tiếp chỉ đạo giám sát vấn đề này. Thông qua việc kiểm tra giám sát thì huyện sẽ có thông báo các đơn vị đủ điều kiện tham gia cung cấp thực phẩm tại huyện Gia Lâm.
Về vấn đề anh Dũng nêu, có thực tế là báo giá tiền thực phẩm trong 1 năm thì cố định, còn giá thực phẩm trên thị trường thực tế lại lên xuống theo mùa, huyện đã có văn bản cho các trường mầm non, giá suất ăn trung bình 15k/1 ngày, so với các huyện nội thành là thấp. Về yêu cầu đơn vị cung ứng lấy thực phẩm tại địa phương như HTX Văn Đức - HTX đạt đủ tiêu chuẩn Vietgap đã được huyện Gia Lâm chọn làm thí điểm thí điểm.
Tuy nhiên, rất khó cho huyện ngoại thành, hiện chúng tôi huy động 100% trẻ ra lớp ăn bán trú đã là khó, nay giá thực phẩm lên xuống thì rất khó thực hiện. Do các trường chỉ họp phụ huynh 1 năm 2 lần, nên rất khó thuyết phục các gia đình về việc thay đổi giá thành thực phẩm. Bởi đây là vấn đề kinh phí phụ huynh nộp vào, do đó điều này các đơn vị cung cấp nên chủ động làm việc với nhà trường về giá thành.
Rõ ràng việc làm thực đơn theo mùa là cần thiết để đảm bảo tỉ lệ dinh dưỡng, kalo cho các cháu, nhưng đây là bài toán khó với DN và các nhà trường
Tại mỗi quận huyện đều đã rà soát hồ sơ năng lực của các DN, sau rà soát đều có kiểm tra thực tế. Tôi tin rằng, các cơ sở lớn thì nguy cơ để xảy ra ngộ độc là rất hãn hữu. Phía nhà trường đều có thể kiểm tra đột xuất bất cứ lúc nào. Nếu cơ sở không đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, chế biến ban đầu thì phải dừng hợp đồng ngay lập tức. 1 lavabo thực hiện xét nghiệm để tìm được vi khuẩn nhanh nhất cũng phải 24h, còn lại phải đến 36h. Các xét nghiệm nhanh dư lượng hóa chất thực hiện mất 45 phút.
Bất kỳ thực phẩm nào mà các trường nghi ngờ đều có thể lưu lại, Chi cục ATVSTP sẽ hỗ trợ xét nghiệm miễn phí cho đơn vị. Trong thực đơn, chúng ta cũng nên khuyến cáo các món ăn hạn chế nguy cơ ngộ độc. Ví dụ như món bánh dày, bánh ngọt có kem, nộm…hạn chế sử dụng. Nếu sử dụng khi khâu chế biến phải hết sức cẩn thận.
Không nên để các gia đình mang bánh ngọt đến trường để tổ chức sinh nhật cho các cháu, bởi nhà trường không thể kiểm soát được bánh đó như thế nào. Nếu xảy ra ngộ độc tại trường thì nhà trường sẽ phải chịu trách nhiệm. Trường hợp bánh ngọt Nguyên Cát, kiểm tra cơ sở không đảm bảo vệ sinh nên việc xảy ra ngộ độc là điều dễ hiểu.
Nêu những thực trạng và khó khăn trong việc kiểm soát cung cấp thức ăn trong các nhà trường?
Bà Phạm Thị Minh Tuyết - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Dương (Tây Hồ) trả lời:
Về giao nhận thực phẩm, là trường tiểu học với hơn 700 học sinh bán trú, Trường Tiểu học An Dương đã thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo ATTP đã ký hợp đồng liên kết với đơn vị được lựa chọn thông qua UBND Quận. Trong quá trình giao nhận, chúng tôi có ban quản lý bán trú, phân công nhiệm vụ trực tiếp nhận thực phẩm với bên cung ứng và nấu tại trường. Đây cũng là giao nhận 3 bên (đại diện công ty-nhà trường-bên chế biến).
Quá trình giao nhận thực phẩm diễn ra theo đúng quy trình, thứ nhất là theo thực đơn đã lên sẵn, thứ hai là kiểm tra thực phẩm có đạt đủ tiêu chuẩn ATTP hay không. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ nhận bằng cảm quan và đối chiếu với đăng ký an toàn thực phẩm của đơn vị cung ứng, đồng thời lưu lại nhãn mác này trong 1 tuần để xác nhận nguồn gốc trong trường hợp có vấn đề.
Bên cạnh đó, trong quá trình chế biến, chúng tôi cũng làm đúng quy trình, phối hợp với ban đại diện phụ huynh học sinh, thanh tra nhân dân của nhà trường, đại diện ban giám hiệu, giáo viên chứng kiến định lượng sống và cân định lượng chín để đưa vào suất ăn cho học sinh.
Khó khăn nữa là về thực phẩm chín như bánh ngọt, sữa... nhập về Trường thì chúng tôi cũng không kiểm chứng được hoàn toàn tiêu chuẩn nguồn gốc, chỉ đối chiếu theo đăng ký ATTP của bên giao nhận cung ứng.
Hàng năm, Sở Giáo dục và Sở Y tế đều có kế hoạch liên ngành để triển khai công tác ATVSTP, phòng chống dịch trong trường học. Trước mỗi năm học đều có tổ chức hội nghị tổng kết công tác ATVSTP trong niên khóa trước, từ đó đánh giá những việc đã/chưa làm được và rút ra kinh nghiệm cho niên khóa tới.
Trong năm, 2 đơn vị đều phối hợp tổ chức triển khai tập huấn cho Ban giám hiệu tất cả các trường trên địa bàn TP, 1 năm trung bình 35 lớp. Đồng thời Chi cục ATVSTP TP còn tổ chức kết nối bếp ăn tập thể trong trường học với các cơ sở cung cấp nguyên liệu tại địa phương.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế còn chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế tham mưu cho UBND cấp quận huyện triển khai công tác đảm bảo VSATTP trong trường học, do vậy hàng năm các địa phương đều có kế hoạch cụ thể, có trọng tâm chỉ đạo công tác này.
Đặc biệt, Trung tâm Y tế và Phòng Giáo dục tại các quận huyện đã có được kế hoạch thường xuyên giám sát các bếp ăn, trong giám sát có hướng dẫn 10 tiêu chí đảm bảo VSATTP trong trường học.
Định kỳ hàng năm, Đoàn liên ngành của quận huyện cũng tổ chức kiểm tra trung bình 1 lần/1 năm. Hàng năm tất cả 30 quận huyện đều rà soát, tổ chức đánh giá năng lực của các đơn vị cung cấp bữa ăn và yêu cầu nhà trường chỉ ký hợp đồng với những cơ sở đạt tiêu chuẩn.
1 vấn đề quan trọng nữa, trong quản lý VSATTP giao trách nhiệm về cho nhà trường, người đứng đầu nhà trường chịu trách nhiệm về công tác này. Do vậy trong các nhà trường đều thành lập các tổ kiểm soát VSATTP, trong đó có đại diện hội cha mẹ học sinh, công đoàn...
Ông có thể cho biết thông tin về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm(ATTP) bữa ăn bán trú trường học trên địa bàn TP Hà Nội trong thời gian qua?
Hiện nay vấn đề ATTP là mối quan tâm chung của toàn xã hội, được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Tại các trường học có tổ chức bán trú, nội trú về vấn đề ATTP trong các bữa ăn của học sinh càng trở nên quan trọng nhằm đảm bảo môi trường giáo dục an toàn giúp cho trẻ em có sức khỏe tốt, phát triển đầy đủ về đức, trí, thể, mỹ.
Năm học 2018 - 2019, Hà Nội có 2.689 trường học, trong đó mầm non có 1.108 trường, tiểu học 737 trường, THCS 623 trường và 221 trường THPT, 1 trường trung cấp chuyên nghiệp với 1.986.809 triệu học sinh và trên 100.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Toàn TP có 1.685 trường tổ chức ăn bán trú, chiếm tỷ lệ 63%. Trong đó có 1.074 trường mầm non, 456 trường tiểu học, 126 trường THCS, 29 trường THPT với 3 hình thức bếp ăn là: Tự nấu, thuê nấu tại trường và thuê cung cấp suất ăn.
Đối với mầm non, việc nuôi dưỡng là nhiệm vụ nhưng với bậc tiểu học và các bậc cao hơn là phát sinh từ nhu cầu của phụ huynh và học sinh, nhà trường phục vụ bán trú để đảm bảo an sinh xã hội học sinh được ăn bán trú và nghỉ tại trường không phải về nhà buổi trưa, cha mẹ học sinh không mất thời gian công sức đưa đón giữa giờ, giảm ùn tắc giao thông, giảm bớt rất nhiều chi phí của gia đình và chi phí chung của xã hội.
Hàng ngày các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP phục vụ trung bình là trên 800.000 học sinh ăn bán trú từ 1 - 4 bữa trong ngày, tùy theo từng trường.
Ban giám hiệu, tập thể giáo viên, nhân viên nhà trường với tinh thần trách nhiệm cao đã phối hợp chặt chẽ với Ban Đại diện cha mẹ học sinh phát huy hiệu quả các nguồn lực, thực hiện đúng chỉ đạo của các cấp, các cơ quan quản lý ATTP.
Hầu hết các bếp ăn tập thể trường học đều đã đáp ứng các quy định về ATTP như thủ tục pháp lý, điều kiện cơ sở, dụng cụ chứa đựng, thực hành vệ sinh của người trực tiếp chế biến thức ăn, thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định của Bộ Y tế. Công tác bán trú đang từng bước tạo sự yên tâm tin tưởng với cha mẹ học sinh góp phần đảm bảo an sinh xã hội của TP có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú trong trường học trên địa bàn Hà Nội, rất cần có: Nhận thức, trách nhiệm của Ban giám hiệu các nhà trường, thầy, cô giáo, nhân viên, cha mẹ học sinh, người sản xuất, chế biến, kinh doanh về ATTP được nâng lên rõ rệt.
Cùng với đó là sự phối hợp giữa nhà trường và Ban Đại diện cha mẹ học sinh đảm bảo ATTP ngày càng chặt chẽ. Chủ động công khai thực đơn thực phẩm trên Website hoặc Cổng thông tin điện tử của trường, công khai các đơn vị được lựa chọn cung ứng thực phẩm.
Một yếu tố cũng rất quan trọng, đó là sự phân công, phân cấp và phối hợp giữa các Sở, ngành và UBND quận huyện, xã, phường trong việc quản lý các bếp ăn trường học đã có hiệu quả. Cũng như, công tác thanh kiểm tra từng bước được đẩy mạnh, đã chủ động giám sát, xét nghiệm và cảnh báo các loại thực phẩm không an toàn.