Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tòa nhân danh Nhà nước mà làm sai thì phải chịu trách nhiệm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trách nhiệm của Tòa án trong việc xem xét các điều kiện để đưa một vụ án ra xét xử.

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng nay (23/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Về Tòa án thực hiện quyền tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao (cơ quan chủ trì soạn thảo) đề nghị bổ sung nội dung về Tòa án có quyền kiểm tra, kiểm soát toàn bộ quá trình tố tụng từ điều tra, truy tố, xét xử hoặc Tòa án có quyền điều tra, xác minh bổ sung chứng cứ trong trường hợp cần thiết đối với các vụ án hình sự.

 
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình báo cáo tại phiên họp sáng 23/9
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình báo cáo tại phiên họp sáng 23/9
Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng quy định “Thông qua hoạt động xét xử, xem xét và kết luận về tính hợp pháp các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Luật sư trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; xem xét và kết luận tính hợp pháp các chứng cứ, tài liệu do Điều tra viên, Kiểm sát viên thu thập, Luật sư, bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác cung cấp; yêu cầu Viện kiểm sát điều tra, xác minh thu thập bổ sung chứng cứ; yêu cầu Điều tra viên trình bày về các vấn đề có liên quan đến vụ án tại phiên tòa; khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm” là phù hợp với thực tiễn và lý luận.

Về thẩm quyền điều tra, thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự là thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra. Thực tế ở Việt Nam cũng như trên thế giới không có quy định Tòa án có thẩm quyền điều tra, thu thập chứng cứ (trừ thẩm quyền điều tra, thẩm vấn tại phiên tòa).

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cho biết, hiện nay, theo quy định, Tòa nhận hồ sơ của Viện kiểm sát truy tố sang mà thấy chưa đảm bảo điều kiện đưa ra xét xử thì có quyền trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Thực tế có những vụ việc Tòa trả hồ sơ nhưng khi bổ sung vẫn không đảm bảo, và hết thời hạn quy định thì Tòa phải đưa ra xét xử.

Theo ông Trương Hòa Bình dù có dấu hiệu phạm tội nhưng chứng cứ buộc tội không chắc chắn. Đúng theo tinh thần Hiến pháp thì Tòa phải tuyên không phạm tội. Đây là vấn đề lớn nên quá trình điều tra truy tố phải chặt chẽ, các cơ quan phải làm hết trách nhiệm. Theo kiến nghị Tòa có quyền kiểm soát trong áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn việc ảnh hưởng đến quyền công dân.

Về đề nghị của Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, nếu tòa án tham gia ngay từ đầu của quá trình tố tụng thì cơ chế này không đảm bảo, vì lúc này không có hồ sơ để ngăn chặn, và lấn sân của cơ quan khác. Tòa án chỉ đưa ra quyết định của mình khi có hồ sơ hoàn chỉnh. Theo Viện Kiểm sát, Tòa có thể xác minh thêm mà không cần trả hồ sơ VKS, cơ quan điều tra, nhưng không nên tham gia ngay từ đầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị cần cân nhắc, nghiên cứu vấn đề Tòa án thực hiện quyền tư pháp vì “Tòa phát hiện có vấn đề mà vẫn phải xét xử thì chưa chắc bảo vệ quyền công dân, bảo vệ Hiến pháp”.

Về vấn đề này, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Tòa nhận hồ sơ, xem xét hồ sơ có đủ điều kiện không, nếu chưa thì trả để điều tra lại hoặc Tòa tự đi làm. Trong quá trình xét xử tại phiên tòa, Thẩm phán nhận thấy điều tra có vấn đề thì có quyền điều tra lại, hoặc chỉ đạo điều tra lại. Tòa nhân danh Nhà nước mà làm sai thì phải chịu trách nhiệm.

“Ngoài ra Tòa phát hiện văn bản có vấn đề thì có quyền chứng minh trái Hiến pháp, và trái thì bị xử lý. Tòa làm không đúng thì sau này cũng phải chịu trách nhiệm, ví dụ cho mở phiên tòa khi chưa đủ điều kiện”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.