Mưa lũ khiến 4.655 hộ dân bị ngập
Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP Đỗ Đức Thịnh cho biết, từ ngày 17/7 - 7/8, mưa lớn xảy ra nhiều trên khu vực Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội. Điểm lớn nhất đo được là huyện Ứng Hòa (566mm), điểm nhỏ nhất đo được tại đường Láng (309,5mm) và trung bình lượng mưa toàn TP từ 7 giờ ngày 17/7 - 6/8 là 403,9mm.Với lượng mưa như trên và cùng với việc các tỉnh lân cận cũng có mưa lớn nên đã gây úng ngập tại một số huyện, thị xã trên địa bàn TP. Tính đến nay, mưa bão đã làm ngập trắng trên 4.425ha lúa và ngập sâu trên 5.167ha; trên 519ha hoa màu bị dập nát toàn bộ và trên 270ha dập nát một phần; trên 883ha thủy sản và trên 326,7ha cây lâu năm bị ngập; trên 10,2km đường giao thông bị ảnh hưởng. Ngoài ra, toàn TP có 4.655 hộ dân bị ngập với 22.359 người bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, ngập úng. Trong số đó, Chương Mỹ là huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 1.380ha lúa bị ngập úng, diện tích hoa màu bị ngập 307ha, số nhà dân bị ngập 3.683 hộ, đường giao thông nông thôn cũng như nội đồng bị ảnh hưởng dài 10.205m…
Không xảy ra dịch bệnh tại vùng ngập lụtThông tin về công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh tại các huyện chịu ảnh hưởng mưa lũ, ngập lụt, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, tại huyện Chương Mỹ ghi nhận 59 trường hợp viêm kết mạc và 150 trường hợp bệnh ngoài da, chủ yếu bị nước ăn chân; có 3 trường hợp đuối nước (2 trường hợp tại xã Tốt Động, 1 trường hợp tại xã Hoàng Văn Thụ). Tại huyện Quốc Oai, có 3 trường hợp viêm kết mạc và 100 trường hợp bệnh ngoài da và huyện Mỹ Đức có trên 100 trường hợp đến khám bệnh ngoài da, chủ yếu do nước ăn chân…Cũng theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, với phương châm “nước rút đến đâu tiến hành vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng chống dịch bệnh đến đó” ngành Y tế đã huy động lực lượng của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và Trung tâm Y tế các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức phối hợp với lực lượng của địa phương tổ chức vệ sinh môi trường khử khuẩn triệt để. Đồng thời, Trạm Y tế các xã bị ảnh hưởng đã thành lập khu khám bệnh lưu động tới các thôn ngập lụt để khám và cấp thuốc cho người dân… Lãnh đạo Sở Y tế khẳng định chưa ghi nhận dịch bệnh ở các vùng ngập lụt.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh thông tin về công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh tại các huyện chịu ảnh hưởng mưa lũ, ngập lụt. |
Ủng hộ người dân vùng lũ gần 6 tỷ đồngVề công tác đảm bảo đời sống Nhân dân các vùng bị ngập lụt, theo thông tin từ Sở LĐTB&XH, tính đến ngày 5/8, các địa phương bị thiệt hại do ngập úng đã tiếp nhận tiền mặt từ các đơn vị và cá nhân hỗ trợ là 5.968,4 triệu đồng. Ngoài ra, việc tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ được UBND các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ và UBND các xã chuyển đến từng hộ dân đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch. Cụ thể, trước những ảnh hưởng của ngập úng, ngày 3/8, UBND TP đã quyết định hỗ trợ hàng cứu trợ cho người dân tại huyện Chương Mỹ 50 tấn gạo, 4.000 gói mỳ chính, 8.000 gói bột canh và 8.000 bình nước uống; đối với huyện Quốc Oai là 14,2 tấn gạo, 710 gói mỳ chính, 1.420 túi bột canh và 1.420 bình nước uống..
Ngập lụt tại huyện Chương Mỹ không do xả lũ hồ Hòa BìnhTrả lời báo chí tại Hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, việc ngập lụt một số huyện của Hà Nội không phải do hồ Thủy điện Hòa Bình xả lũ. Theo ông Chu Phú Mỹ, tình trạng ngập lụt nghiêm trọng ở một số huyện của Hà Nội vừa qua là do tình trạng mưa lũ lớn và nước ở Hòa Bình tràn về. Cụ thể, lượng mưa lũ lớn từ huyện Kim Bôi tràn về huyện Mỹ Đức và từ huyện Lương Sơn tràn về huyện Chương Mỹ dẫn đến tình trạng ngập lụt nghiêm trọng như nhiều ngày qua. Nguyên nhân thứ hai là do khả năng thoát nước của các sông chính kém. Ngoài ra, có một vấn đề nữa là trong quá trình phát triển nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng đã lấn ra hành lang thoát nước của các sông và làm giảm khả năng thoát lũ. Việc này không chỉ xảy ra ở sông Bùi mà ở nhiều sông khác trên cả nước.Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, đến hôm nay về cơ bản nước tại các vùng bị ngập úng đã rút và toàn TP đang tập trung cùng địa phương vào cuộc để khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, với tinh thần tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, nhất là bà con Nhân dân trong thực hiện phương châm phòng chống lụt bão nên trong đợt ngập lụt vừa qua đã hạn chế được tối đa thiệt hại. Thông qua đây cũng nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác về phòng chống lụt bão, đặc biệt là phòng chống đuối nước để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người…