Loại tội phạm này thường hoạt động có quy mô, tổ chức, có cả người Việt Nam tham gia. Thậm chí, có đối tượng đã tổ chức đem máy móc, phương tiện nhập cảnh vào làm thẻ tín dụng giả tại Việt Nam.
Một băng nhóm do người Đài Loan - Trung Quốc cầm đầu sử dụng thiết bị số lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng bị TAND TP.HCM đưa ra xét xử gần đây.
|
Công an TP.HCM từng triệt phá đường dây sử dụng thẻ ATM giả do các đối tượng Looi Haw Shyan, Khoo Boon Loke (quốc tịch Malaysia) cầm đầu. Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, hai đối tượng này đã cấu kết với Cổ Kim Thạch (người Hoa, đang sinh sống ở TP.HCM) thuê người sử dụng thẻ ngân hàng giả để thanh toán tiền quán bar, nhà hàng, khách sạn, mua hàng hóa và rút tiền tại các trụ ATM với tổng giá trị tài sản chiếm đoạt lên tới hàng trăm triệu đồng. Quá trình điều tra, Công an đã thu giữ được 1 máy làm thẻ tín dụng giả và hơn 100 thẻ ATM giả.
Vì các đối tượng chủ mưu cầm đầu đều ở nước ngoài nên quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn, chỉ xử lý được những đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng này thuê hoặc thỏa thuận với những đối tượng sở tại sang Việt Nam phạm tội, lợi nhuận đã được trích % trên tổng giá trị số tiền chiếm đoạt được.
Khoảng tháng 2/2014, Stoyanov Yuliyan Goergiev (quốc tịch Bulgaria) nhận lời Ivan Ivanov (người Nga) sang Việt Nam sử dụng thẻ giả để rút tiền ngân hàng với thỏa thuận được hưởng 10% trên tổng số tiền rút được. Trong vòng 8 ngày ở Việt Nam, Stoyanov Yuliyan Goergiev đã sử dụng 144 thẻ ATM giả để rút tiền của 7 ngân hàng với 388 lần giao dịch thành công, chiếm đoạt 773 triệu đồng và 260 lần giao dịch để rút 411 triệu đồng không thành công, sau đó bị bắt quả tang.
Tương tự, thông qua facebook, Grozdan Ilchev Diev (quốc tịch Bulgaria) quen biết với đối tượng Ivanivanovich (quốc tịch Nga). Được đối tượng này cho biết có thẻ tín dụng giả, Grozdan Ilchev Diev đặt mua 53 thẻ với giá 100 USD rồi mang sang Việt Nam, sử dụng số thẻ này rút được 181 triệu đồng thì bị bắt giữ.
Một thủ đoạn khác là giả danh người các cơ quan, tổ chức gọi điện hù dọa rồi yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản cá nhân, sau đó dùng lệnh chuyển tiền vào tài khoản của chúng. Trong trường hợp bị hại là người nước ngoài thì các cơ quan tố tụng không xử lý hình sự đối tượng phạm tội được, chỉ có thể xử lý vi phạm hành chính, trục xuất các đối tượng này về nước.
Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp Công an phường Tân Thuận Đông, quận 7 từng kiểm tra, phát hiện và bắt tạm giữ 11 đối tượng là người Thái Lan có hành vi "sử dụng mạng viễn thông, mạng internet lừa đảo...", tạm giữ số lượng lớn đồ vật sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo gồm máy tính, điện thoại bàn, máy scan... Dù đã có tang chứng, vật chứng nhưng do bị hại đều là người nước ngoài nên các đối tượng này chỉ bị xử lý hành chính và trục xuất về nước.
Tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng nhưng công tác xử lý còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Phần lớn các đối tượng phạm tội đều có trình độ chuyên môn, kỹ thuật tin học cao nên rất khó phát hiện. Ngoài ra, nhiều đối tượng người nước ngoài sử dụng ngôn ngữ ít phổ biến (Malaysia, Nigieria...) nên công tác thu thập tài liệu, chứng cứ đối với tội phạm người nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn.
Cơ quan tiến hành tố tụng cũng “toát mồ hôi” trong việc ghi lời khai và mất nhiều thời gian dịch thuật các văn bản tố tụng. Việc xác minh nhân thân, lai lịch được thực hiện qua nhiều nguồn như Sở Ngoại vụ, Interpol, lãnh sự quán nên rất mất thời gian, ảnh hưởng đến thời hạn điều tra, tạm giam, thời hạn xử lý vụ án.
Bên cạnh đó thì trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ giám định còn lạc hậu, trình độ đội ngũ giám định viên và dịch thuật còn hạn chế nên rất khó hoặc không thể giám định đối với một số trường hợp như trộm cắp, lừa đảo qua mạng.