Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Tôi không vượt đèn đỏ”

Lê Thanh Hường - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Nhà máy nước Tân Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là lời tuyên bố với cộng đồng như là một cam kết với chính bản thân khi tham gia giao thông.

Không vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông là biểu hiện nổi bật nhất, rõ ràng nhất của văn hóa tham gia giao thông và cũng vì thế, nó là điểm mấu chốt nhất quyết định mức độ an toàn giao thông của xã hội.
Khi xã hội không còn xa lạ với cảnh vượt đèn đỏ, thì thông điệp "Tôi không vượt đèn đỏ" cấp thiết phải nhân rộng. Thực tế, rất nhiều người muốn vượt qua làn ranh đèn đỏ không phải vì vội hay không có thời gian, mà đơn giản vì họ không muốn chịu thua người khác. Nếu như chúng ta biết hạn chế nhược điểm tâm lý này, có lẽ bao nhiêu con người đã được cứu sống, bao nhiêu gia đình đã tránh được đau thương mất mát.
Hầu hết mọi người Việt đều nhận thức được vượt đèn đỏ là sai, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng hy sinh cái tôi vì cái chung. Không chỉ là vi phạm pháp luật, khi vượt đèn đỏ dù không gây tai nạn cũng gây cản trở sự di chuyển của người khác, những người cũng đã chờ đèn đỏ và được quyền đi khi có đèn xanh.

Chấp hành luật giao thông là thể hiện nét đẹp trong văn hóa. Ảnh: Chiến Công

Vậy nên, việc dừng hay không dừng đèn đỏ quyết định trực tiếp đến sự an toàn của mỗi cá nhân và những người xung quanh. Khác với những lỗi khác mà chủ phương tiện có thể bị bắt phạt như không mang giấy tờ (chỉ mang tính hành chính) hay quên bật xi nhan, không đội mũ bảo hiểm... (có thể gây nguy hiểm nhưng tỷ lệ nhỏ hơn), việc vượt đèn đỏ gây ra một mối nguy trực tiếp không chỉ cho một người mà có thể cho rất nhiều người đang cùng tham gia giao thông tại ngã tư đó. Chính vì lẽ đó, nếu nói tới văn hóa giao thông thì biểu hiện đầu tiên là văn hóa dừng đèn đỏ, nói tới an toàn giao thông thì điều đầu tiên cần nhớ: Không vượt đèn đỏ.
Tôi đọc đâu đó trên mạng câu chuyện một người nước ngoài sang Hà Nội làm việc và sinh sống đã được những người bản địa dạy rằng “cứ vượt đèn đỏ, công an sẽ không bắt vì họ không biết nói tiếng Anh”. Ban đầu, anh chàng nước ngoài này tỏ ra vô cùng ngạc nhiên, bởi văn hoá tham gia giao thông “có một không hai” này. Đất nước nơi anh sinh ra và lớn lên luật giao thông vô cùng nghiêm ngặt. Dừng đèn đỏ là ý thức ăn vào máu của những con người nơi đây. Thậm chí ở một con đường nằm giữa cánh đồng, xung quanh bán kính 5km không một bóng người. Chính vì lẽ đó, anh vẫn nghiêm túc thực hiện nguyên tắc dừng xe khi đèn tín hiệu chuyển sang đỏ. Tuy nhiên, ở một số ngã tư, nhiều người tham gia giao thông liên tục thể hiện sự khó chịu bằng cách bấm còi hay nặng hơn là “dọa nạt” vì việc chấp hành của anh “cản đường” họ. Anh trở nên khác biệt so với đám đông. Và, anh vượt. Anh thậm chí cảm thấy thích thú vì không còn bị ràng buộc bởi luật giao thông nữa. Rất rõ ràng, chúng ta đang biến những vi phạm giao thông thành chuyện bình thường ở Hà Nội, khiến người vi phạm không còn cảm thấy xấu hổ, lén lút. Họ đã bắt đầu khuyên nhau nên… vượt đèn đỏ một cách công khai. Tất cả tổng hòa tạo nên một bức tranh giao thông hỗn độn hiếm có trên thế giới.
Người vượt đèn đỏ không thành công trong cuộc sống? Điều này còn phải tranh cãi, nhưng chắc chắn họ là những người không văn minh. Mấy năm trước, dù đường vắng, một người bạn của tôi đi xe máy, nghiêm túc dừng xe trước đèn đỏ và bị gãy chân do bị kẻ vượt đèn đỏ đâm từ phía sau. Anh bạn tôi chắc chắn không phải là người duy nhất phải trả giá cho sự bất tuân thủ quy tắc của những người coi thường pháp luật. Họ làm rối loạn giao thông, gây nguy hiểm cho người khác và chính họ. Một phần cũng vì họ mà tốc độ ô tô trong các TP nước ta bị giới hạn phổ biến ở mức 50km/giờ, so với mức 100 km/giờ trên các đường phố Singapore.
Ở các nước phát triển, khi cả cộng đồng tuân thủ, người không tuân thủ tự động sẽ bị đào thải. Tôi nghĩ, đất nước chúng ta cũng nên định hướng xây dựng một cộng đồng “khỏe mạnh” về văn hoá giao thông như thế này. Bởi tôi biết nhiều người không muốn vượt đèn đỏ, không muốn đi ngược chiều, nhưng khi tất cả cùng làm, họ bị cuốn theo. Tôi vẫn luôn có niềm tin rằng số lượng người có ý thức giao thông vẫn đông hơn thành phần vô ý thức. Và đại đa số này hãy khiến những kẻ vô ý thức trở nên lạc lõng giữa tất cả.