Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Tôi vui mừng vì quê hương thay đổi từng ngày"

Thủy Tiên - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/7, bên lề Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội (01/8/2008-01/8/2018), đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, nhiều đại biểu chia sẻ với PV báo Kinh tế&Đô thị về những chuyển biến tích cực tại quê hương mình. Đồng thời cho rằng, việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là đúng đắn, cần thiết, và là yêu cầu khách quan tất yếu.

Đại biểu Phùng Thị Thanh (ảnh trái); đại biểu Tạ Đình Huy (ảnh trên, bên phải); và đại biểu Nguyễn Giáp Dần
Đại biểu Tạ Đình Huy (huyện Chương Mỹ, Hà Nội): "Tôi vui mừng vì quê hương thay đổi từng ngày"
Tôi rất vui và phấn khởi trước sự đổi mới của quê hương, của Thủ đô. Quê hương tôi là một xã thuần nông, bà con nông dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ. Qua 10 năm mở rộng địa giới hành chính, đời sống của bà con Nhân dân được cải thiện. Bình quân thu nhập đầu người từ 6 triệu đồng/người/năm vào năm 2008 lên 38 triệu đồng/người/năm vào năm 2017.

Phải nói rằng, Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính đã thực sự có hiệu quả, mang lại nhiều đổi thay mang tích cực cho quê hương tôi.
Đại biểu Phùng Thị Thanh - Chủ tịch MTTQ xã Phú Sơn (huyện Ba Vì): Đời sống dân sinh được đảm bảo

Tôi nhận thấy đời sống của người dân được cải thiện và được quan tâm hơn rất nhiều sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, nhất là các cụ già. Đặc biệt tôi thấy sự thay đổi rõ rệt trong việc cải cách hành chính, kỷ cương hành chính đã chỉn chu hơn trước rất nhiều.

Cán bộ và Nhân dân xã mong muốn tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng để cải thiện việc đi lại của người dân, để người dân an cư lạc nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Giáp Dần - Chủ tịch UBND xã Yên Bình (huyện Thạch Thất): Phát triển toàn diện sau 10 năm sáp nhập về Thủ đô

Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, xã Yên Bình đã phát triển trên mọi lĩnh vực. Theo đó, trước năm 2008, xã chỉ đạt bình quân đầu người 9 triệu đồng/người/năm và đến năm 2017 đã tăng lên 42 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2007 là trên 14% nhưng đến hết năm 2017 chỉ còn 2%... Vì vậy, người dân xã Yên Bình rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và phấn khởi khi được sáp nhập về với Thủ đô. Người dân xã Yên Bình sẽ quyết tâm trong thời gian tới sẽ nâng được thu nhập bình quân đầu người lên cao hơn nữa để cải thiện cuốc sống.