Các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 1 cùng tham gia tiếp xúc cử tri có Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Giám đốc Công an TP; Giám đốc Sở GT&VT Nguyễn Phi Thường.
Tham dự cuộc tiếp xúc cử tri có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải; lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP; lãnh đạo và cử tri 3 quận thuộc Đơn vị bầu cử số 1.
Nhiều sáng tạo, cải tiến trong các hoạt động của Quốc hội
Tại cuộc tiếp xúc cử tri, Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Hải Trung đã báo cáo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6 và Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường báo cáo trả lời kiến nghị cử tri tại các kỳ tiếp xúc trước.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri, trên cơ sở kết quả Kỳ họp thứ 5 và chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các cử tri 3 quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa đánh giá, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội khóa XV đã có nhiều sáng tạo, cải tiến trong các hoạt động của Quốc hội. Các dự án luật, vấn đề quan trọng của đất nước trước khi đưa ra Quốc hội bàn, thảo luận đều được chuẩn bị rất kỹ.
Ngoài ra, cử tri cũng nhận định, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đúng trọng tâm, trọng điểm, có kết quả cao. Hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn rất trúng và đúng trọng tâm, không vòng vo. Việc điều hành các nội dung tại kỳ họp và hoạt động chất vấn rất linh hoạt.
Đặc biệt vừa qua Quốc hội đã tổ chức 1 kỳ họp Quốc hội trẻ em giả định rất có ý nghĩa. Thông qua đó, giúp trẻ em có nhận thức khái quát về vai trò của Quốc hội, đại biểu quốc hội, trong tương lai khi trưởng thành, các em sẽ phấn đấu để trở thành người đại biểu Quốc hội.
Cử tri cũng bày tỏ vui mừng, phấn khởi đón nhận kết luận của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về những vấn đề kinh tế -xã hội và ngân sách năm 2023, 2024 với sự khẳng định rằng “Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật là 9 tháng đầu năm vừa qua kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu: GDP tăng 4,24%, chỉ số tiêu dùng tăng 3,16%, khu vực du lịch tăng 6, 32%”.
Theo các cử tri nhận định, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần này đã đưa ra nhiều quyết sách rất cơ bản và quan trọng. Đây là nguồn động lực mới cho sự phát triển đất nước. Cử tri hoàn toàn đặt niềm tin vào Nghị quyết của Hội nghị.
Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề dân sinh bức xúc
Trao đổi với các đại biểu Quốc hội, các cử tri đã nêu nhiều kiến nghị liên quan đến những vấn đề liên quan đến Dự án Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi); Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); vấn đề nhà ở xã hội, chung cư, chung cư mini; phòng cháy chữa cháy; thiếu trường lớp; lừa đảo trên không gian mạng…
Cụ thể, liên quan Dự án Luật đất đai năm 2013 (sửa đổi), cử tri Phùng Huy Đan (phường Trung Phụng, quận Đống Đa) cho rằng, Dự Luật đã được các cơ quan, tổ chức thảo luận rất kỹ và trưng cầu ý kiến của các tầng lớp Nhân dân. Từ đó, cử tri đề nghị Quốc hội thảo luận, xem xét thật thấu đáo trước khi thông qua Dự Luật này.
Về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), cử tri Phùng Huy Đan đề nghị Dự Luật cần có các quy định về bảo vệ môi trường, có tính thống nhất và phù hợp, đặc biệt là việc thu gom vận chuyển xử lý rác thải.
Trong khi đó, cử tri Nguyễn Kim Sơn (phường Đội Cấn, quận Ba Đình) nêu, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 6 này nhằm xây dựng cơ sở pháp lý, cơ chế đặc thù vượt trội, tạo thuận lợi cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia. Cử tri cho rằng, việc tuyên truyền, phổ biến, đặc biệt là tổ chức cho Nhân dân đóng góp ý kiến xây dựng Dự Luật này cần tiếp tục làm mạnh mẽ hơn nữa, để cùng góp phần hoàn thiện Dự Luật.
Ngoài ra, cử tri mong đại biểu Quốc hội và Quốc hội quan tâm xem xét quy hoạch và chương trình xây dựng 9 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội theo quy hoạch được duyệt là 318km từ năm 2030 - 2050. Đồng thời, quan tâm giải quyết dứt điểm các dự án treo kéo dài từ 10-20 năm nay đang làm mất mỹ quan đô thị, gây thiệt hại to lớn về kinh tế, đất đai.
Cử tri Nguyễn Thanh Bình (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng) kiến nghị, tại Kỳ họp thứ 6 tới đây, mong muốn Quốc hội tiếp tục quan tâm thảo luận về tăng cường hơn nữa các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách đồng bộ. Qua đó, góp phần duy trì đà tăng trưởng, ổn định giá cả, đảm bảo đời sống của Nhân dân; tăng cường an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Các cử tri cũng kiến nghị nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, tăng cường giám sát những lĩnh vực quan trọng như công tác lập và thực hiện đúng quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị; vấn đề ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, phòng cháy chữa cháy tại các đô thị lớn…
Liên quan đến công tác chuyển đổi số, cử tri Nguyễn Thị Thanh Phượng (Quận đoàn Ba Đình) nêu, cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, công nghệ và sự bùng nổ của internet thì quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ đã tạo nên sự thay đổi đồng bộ về nhận thức và hành vi của cả cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác quản lý thông tin trên mạng xã hội còn những lỗ hổng, tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Trước những vấn đề này, cử tri mong muốn, các đại biểu Quốc hội có những kiến nghị, đề xuất với các cơ quan chức năng để khắc phục sớm nhất những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thông tin, định hướng thông tin trên internet…
Cùng với đó, các cử tri cũng nêu nhiều kiến nghị liên quan đến chủ trương di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương ra khỏi nội đô Hà Nội; khó khăn đặt ra khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã; kiên quyết, kiên trì trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tình trạng quy hoạch treo, đất bỏ hoang hóa nhiều năm nay gây lãng phí; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển…
Phát biểu làm rõ những vấn đề cử tri quan tâm thuộc thẩm quyền của UBND TP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, toàn bộ các ý kiến của cử tri đã được các cơ quan chức năng của TP ghi chép, tổng hợp đầy đủ, cẩn thận.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, UBND TP sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của cử tri và tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành tổng hợp, tham mưu phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để sớm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô năm 2023, xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo.
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TP cũng báo cáo một số nội dung chính có liên quan đến 5 nhóm vấn đề theo ý kiến của các cử tri nêu như: Việc quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội và đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm. Trao đổi thêm về vấn đề xây dựng thể chế, chính sách, đặc biệt là Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và công tác quy hoạch; di dời các cơ sở gây ô nhiễm, di dời các trường học, bệnh viện và sát nhập đơn vị hành chính cấp xã; về cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức…
Tiếp xúc cử tri phải thiết thực, không được hình thức
Phát biểu trao đổi với cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, mỗi lần tiếp xúc cử tri lại thấy Thủ đô có nhiều thay đổi, càng ngày càng phát triển, đẹp, văn minh, hiện đại hơn. Các cử tri nêu ý kiến đều nắm rất sâu, trình bày ngắn gọn, nhưng nêu rõ vấn đề, ý tứ sắc sảo, “gãi đúng chỗ ngứa”, rất thiết thực.
Theo Tổng Bí thư, trước các kỳ họp, đại biểu Quốc hội tiến hành tiếp xúc cử tri để báo cáo nội dung chương trình và tiếp thu ý kiến góp ý của cử tri để làm sao tổ chức kỳ họp thành công, mà quan trọng là phải thành công thực chất. Thực chất là nội dung, kết quả kỳ họp phải thể chế hóa chủ trương của Đảng, từ đó thấm vào trong từng người dân, giúp cho “ý Đảng” luôn luôn quyện với “lòng dân”. Vì vậy, các cuộc tiếp xúc cử tri phải được tổ chức rất thiết thực, không được hình thức.
Chia sẻ với cử tri về chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội và mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ là 3 "chân kiềng” rất quan trọng, Tổng Bí thư cho rằng, đây chính là cơ chế kiểm soát quyền lực. Trong đó, mỗi chủ thể đều phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tuân theo Hiến pháp, luật pháp. Đây là cơ chế, chế độ rất ưu việt, có thể nói là ưu việt nhất hiện nay.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, đây là những nội dung rất căn bản, quan trọng, cần thiết, các cấp, các ngành phải nắm rất chắc để thực hiện đúng, nhất là phải gần dân, sát dân, tôn trọng Nhân dân bởi “đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, không được lòng dân là mất chế độ.
Thông tin với cử tri về một số kết quả quan trọng về chính trị, kinh tế-xã hội, nhất là công tác đối ngoại vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định quan điểm, đường lối đối ngoại nhất quán và phong cách "ngoại giao cây tre" gốc vững chắc, nhưng thân mềm dẻo, có tình, có lý, có trước, có sau của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
Thay mặt các đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận và tiếp thu đầy đủ các ý kiến cử tri nêu để báo cáo với Quốc hội, nêu ý kiến tại nghị trường cũng như đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời để báo cáo lại với cử tri. Đồng thời chúc cử tri và Nhân dân Thủ đô tiếp tục đoàn kết, tích cực đóng góp xây dựng Hà Nội xứng đáng là Thủ đô của Việt Nam anh hùng và truyền thống nghìn năm lịch sử.