Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng Giám đốc FLC: Cách mạng 4.0 bùng nổ, doanh nghiệp bất động sản không đứng ngoài cuộc chơi

Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang định hình lại nền kinh tế toàn cầu trên tất cả các lĩnh vực và tôi không cho rằng bất động sản đứng ngoài xu thế này", TS. Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn FLC nhận định.

TS. Hương Trần Kiều Dung
Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư với sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ đã và đang tác động mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, thị trường và cuộc sống hàng ngày của con người. Các doanh nghiệp lớn sẽ đón nhận những cơ hội và thách thức từ cuộc cách mạng này như thế nào?
PV đã có cuộc trò chuyện với TS. Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn FLC về chiến lược đầu tư đa ngành của FLC trong bối cảnh Cách mạng 4.0 đang ảnh hưởng sâu rộng.
Tập đoàn FLC vốn thành danh trong lĩnh vực bất động sản nhưng đang mở rộng sang khá nhiều lĩnh vực như hàng không, nông nghiệp công nghệ cao... Phải chăng FLC đã thay đổi chiến lược kinh doanh?

Đầu tiên tôi xin được khẳng định rằng chiến lược kinh doanh của FLC không có gì thay đổi. Phát triển đa ngành là định hướng đã được đặt ra ngay từ những ngày đầu Tập đoàn thành lập, nhằm tận dụng tối đa các tiềm năng và cơ hội hiện có của thị trường, cũng như đón đầu các xu thế kinh tế mới.

Giai đoạn 2017 - 2018 là năm bản lề chúng tôi đẩy mạnh chiến lược phát triển đa ngành này với những động thái quyết liệt hơn trong hàng không và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với mục tiêu cấu thành những “hệ sinh thái” hoàn chỉnh, khép kín để phục vụ nhu cầu của cộng đồng và xã hội.
Với cả hai lĩnh vực mới là nông nghiệp công nghệ cao và hàng không, trước FLC đều đã có những tên tuổi lớn đã và đang khai thác thị trường. Tập đoàn FLC sẽ cạnh tranh bằng cách nào, thưa bà?
Đây không phải thách thức mới với Tập đoàn FLC bởi khi chúng tôi gia nhập thị trường bất động sản, câu chuyện này cũng đã xảy ra, nhưng FLC vẫn thành công. Để làm được điều này, chúng tôi xác định chiến lược đầu tư riêng, trong đó có hai yếu tố quan trọng cần nhắc đến là "làm lớn" và "làm khác". 
"Làm khác" là để tạo ra những giá trị khác biệt và đáp ứng những nhu cầu đa dạng của thị trường. Những quần thể cao cấp, quy mô lớn, đồng bộ của FLC hầu hết đều được kiến tạo tại những khu vực tưởng chừng như không có nhiều cơ hội để phát triển và thực tế gần như không có doanh nghiệp nào quan tâm đầu tư. Nhưng chúng ta đều đã biết, bàn tay con người có thể làm nên tất cả, như câu chuyện về hòn đảo Sentosa tại Singapore hay Thành phố Las Vegas ở Hoa Kỳ, từ những vùng hoang hóa, với bàn tay và khối óc của con người, đã trở thành những “thiên đường ở trần gian” mà bất kỳ du khách nào khi đến các quốc gia này cũng không thể bỏ qua.

Còn "làm lớn" thì hiệu quả cũng rất rõ nét bởi có nhiều lĩnh vực nếu đầu tư nhỏ lẻ thì khó mà tạo ra sự thay đổi đột phá. Mỗi dự án nghỉ dưỡng của FLC đều được xây dựng quy mô lớn từ hàng trăm đến hàng ngàn ha với tổng vốn hàng chục ngàn tỷ đồng. Chỉ với quy mô như vậy, các dự án này mới có thể ảnh hưởng sâu rộng và mạnh mẽ đến thị trường, góp phần thay đổi tư duy làm du lịch tại nhiều địa phương, từ đó kiến tạo và nâng tầm các thị trường du lịch mới và tạo ra những làn sóng đầu tư "bùng nổ" như ở Thanh Hoá, Bình Định hay Quảng Bình...
Hai nguyên tắc này sẽ được chúng tôi áp dụng sang hầu hết các lĩnh vực mà FLC đang mở rộng đầu tư và tôi tin rằng ở các lĩnh vực mới, FLC cũng sẽ đạt được thành công như những gì mà chúng tôi đã đạt được trong lĩnh vực bất động sản thời gian qua.
Một câu chuyện đang được nói đến rất nhiều hiện nay là Cách mạng 4.0 nhưng với bất động sản thì câu chuyện này lại có phần hơi im ắng. Theo bà, Cách mạng 4.0 sẽ tác động đến bất động sản như thế nào?
Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang định hình lại nền kinh tế toàn cầu trên tất cả các lĩnh vực và bất động sản không đứng ngoài xu thế này.
Hàng loạt công nghệ mới như công nghệ dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo... đã kịp thâm nhập vào ngành bất động sản và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực đặc thù từ vật liệu, thiết kế, xây dựng cho đến bán hàng và quản lý bất động sản. Ví dụ như trước kia, xây một tòa nhà có thể mất đến vài ba năm thì nay nhờ các tiến bộ trong công nghệ và thiết kế, thời gian chỉ cần vài tháng. Việc áp dụng các hệ thống tự động hoá cũng khiến việc quản lý một dự án nghỉ dưỡng hàng ngàn buồng phòng trở nên đơn giản hơn.
Còn với khách hàng, có thể thấy rằng khả năng kết nối và tìm kiếm thông tin của họ cũng được tối ưu nhờ sự hỗ trợ của các công cụ hiện đại, do đó, nhu cầu và thói quen tiêu dùng của người mua bất động sản cũng đang thay đổi theo chiều hướng ngày một khắt khe hơn.
Trong bối cảnh này, doanh nghiệp bất động sản phải kịp thời tái cấu trúc sản phẩm và ứng dụng khoa học công nghệ nếu muốn dẫn dắt và tham gia cuộc chơi lâu dài.
Hiện có hai xu hướng đang được nói đến nhiều trong lĩnh vực bất động sản là xây dựng các khu đô thị thông minh và xây dựng các công trình xanh thích ứng với biến đổi khí hậu. Cả hai xu hướng này đều có điểm chung là đề cao các giải pháp thông minh với mục tiêu kiến tạo một hệ sinh thái bền vững, tối ưu hoá công năng, nơi người lưu trú có thể sống và nghỉ ngơi ở những môi trường tốt nhất.
 FLC Quy Nhơn
Tập đoàn FLC đã chuẩn bị những gì để đón đầu cơ hội mà Cách mạng 4.0 mang đến?
Trong lĩnh vực bất động sản, nhiều giải pháp công nghệ hiện đại đang được chúng tôi áp dụng hàng loạt trong quá trình quản lý và triển khai dự án; ví dụ như những giải pháp thông minh trong việc xây dựng công trình xanh, từ quy hoạch, thiết kế cho đến việc áp dụng các vật liệu tự nhiên, vật liệu công nghệ cao giúp tối ưu năng lượng, bảo vệ môi trường, đồng thời mang đến những tiện nghi hoàn hảo nhất cho người sử dụng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chúng tôi đang đẩy mạnh việc hợp tác với nhiều đối tác hàng đầu thế giới như Israel, Nhật Bản, Đài Loan ... để triển khai hệ thống trang trại nông sản sạch, trải rộng khắp Việt Nam với quy mô quỹ đất lên tới hàng chục ngàn ha.
Cùng với những lợi thế về đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ cũng như hợp tác xuất khẩu, chúng tôi cũng hướng tới việc bảo hộ thương hiệu và xúc tiến thương mại nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không ngừng ứng dụng khoa học công nghệ trong việc quản lý các chuỗi resort, khách sạn, hàng không và các dịch vụ khác của Tập đoàn để hướng tới dịch vụ tốt nhất và mang lại những quyền lợi ưu việt nhất cho khách hàng.
Việc ứng dụng công nghệ cao trong nhiều lĩnh vực đầu tư không chỉ giúp FLC tận dụng được những cơ hội mà Cách mạng 4.0 đang mang tới mà còn góp phần tạo ra một hệ sinh thái thương mại, dịch vụ hiện đại, tiên tiến, đóng góp vào xu thế phát triển bền vững mà Chính phủ đã và đang đề ra.
Xin cảm ơn Bà.
Bà Hương Trần Kiều Dung là Tiến sĩ Luật Quy hoạch Xây dựng Đại học Tổng hợp Montesquieu Bordeaux IV, Pháp, có gần 20 năm kinh nghiệm tư vấn về quản trị doanh nghiệp, tư vấn xây dựng, triển khai dự án, đầu tư, mua bán và sáp nhập tại Việt Nam.
Bên cạnh chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, bà Hương Trần Kiều Dung từng giữ vị trí lãnh đạo tại nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nòng cốt của Tập đoàn FLC như luật, bất động sản, dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng, xây dựng, nông nghiệp công nghệ cao…
Cách thức quản trị linh hoạt, mềm dẻo, kinh nghiệm dày dặn và sự am hiểu pháp lý sâu sắc của bà Hương Trần Kiều Dung sẽ giúp thúc đẩy chiến lược phát triển đa ngành mà Tập đoàn FLC đang đẩy mạnh trong giai đoạn sắp tới.