Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng quan hoạt động vận tải trong cao điểm Tết Nguyên đán

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã kết thúc với nhiều điểm nhấn trong lĩnh vực vận tải. Đáng chú ý nhất là sự tăng trưởng đáng mừng của hàng không và đường sắt.

Cùng với đường sắt, hàng không là lĩnh vực vận tải gây ấn tượng mạnh nhất trong cao điểm Tết vừa qua.
Cùng với đường sắt, hàng không là lĩnh vực vận tải gây ấn tượng mạnh nhất trong cao điểm Tết vừa qua.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình phục vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Chuẩn bị chu đáo, vận tải thông suốt

Là cơ quan quản lý Nhà nước cấp cao nhất trong lĩnh vực vận tải, Bộ GTVT đã có sự chuẩn bị chu đáo cho cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong đó, nổi bật nhất là cơ quan này đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện toàn diện ở các lĩnh vực của ngành.

Đối với hàng không, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các quy định về an ninh, an toàn hàng không và các dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay; cung cấp thông tin hướng dẫn người dân đi lại bằng đường hàng không bảo đảm đúng lịch trình.

Đồng thời các đơn vị cũng phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an ninh, an toàn hàng không; thực hiện các biện pháp khắc phục, phòng ngừa sự cố, tai nạn tàu bay.

Đối với đường bộ, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát các yếu tố an toàn về hạ tầng như bổ sung, điều chỉnh kịp thời vạch sơn, báo hiệu đường bộ, thiết bị cảnh báo phản quang. Sửa chữa, bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm, trong đô thị và trả lại lòng đường cho nhân dân đi lại 1 tuần trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Đồng thời kiểm tra, chỉ đạo các trạm thu phí đường bộ, kịp thời xử lý, giải tỏa phương tiện, không để xảy ra ùn tắc tại các trạm thu phí; có phương án giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc kéo dài, nhất là trên các tuyến trục chính ra vào Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, Bộ GTVT yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm ATGT theo phương án thiết kế tổ chức thi công đã được duyệt, có phương án tổ chức giao thông, hoàn trả mặt đường, bảo đảm phương tiện lưu thông an toàn, không gây ùn tắc; tăng cường sự đoàn kết, tạo khí thế thi đua sôi nổi, hăng say lao động trên các công trường, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ.

Đối với lực lượng chức năng trực thuộc, Bộ GTVT yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân, đảm bảo ATGT trong vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; đảm bảo trật tự, an toàn phục vụ vận tải khách tại các ga đường sắt, các đường ngang; hoạt động vận tải ven biển, vận tải thủy từ bờ ra đảo, từ đảo sang đảo, vận tải khách ngang sông; công tác an toàn khai thác, chất lượng dịch vụ và quy trình khai thác, vận hành phương tiện, thiết bị của các đơn vị hoạt động tại cảng hàng không…

Các bến xe cũng có sự chuẩn bị tốt cho cao điểm Tết.
Các bến xe cũng có sự chuẩn bị tốt cho cao điểm Tết.

Hàng không, đường sắt gây ấn tượng

Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo của Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị liên quan, hoạt động vận tải trong cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 được đảm bảo thông suốt, thuận lợi. Trong đó, nổi bật nhất là sự vươn lên của vận tải hàng không và đường sắt.

Cụ thể, sản lượng vận chuyển tổng thị trường hàng khôngtrong 7 ngày Tết đạt gần 1,3 triệu lượt khách, tăng trưởng 9.6% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 633.000 lượt khách, tăng gần 49%, khách nội địa đạt hơn 628.000 lượt khách, giảm hơn 13%. Sản lượng hàng hóa đạt 7.540 nghìn tấn, tăng 6.7% so với cùng kỳ.

Ấn tượng không kém là vận tải đường sắt khi trong ngành đường sắt đã xuất ga 104 tàu khách thống nhất; 219 tàu khách địa phương, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm 2023, phục vụ gần 205.000 lượt khách, tăng 8.65% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, vận tải đường bộ dù không quá ấn tượng như đường sắt và hàng không nhưng cũng có những tăng trưởng đáng kể trong cao điểm Tết vừa qua.

Tại các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, vận tải khách liên tỉnh đều có sự tăng trưởng. Tại TP Hồ Chí Minh, lượng hành khách đi qua các bến xe đạt hơn 456.000 hành khách, so với cùng kỳ năm trước tăng bình quân 28%.

Tại Đà Nẵng, lượng hành khách đi qua các bến đạt gần 450.000 hành khách, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Còn tại Hải Phòng, lượng hành khách đi qua các bến hơn 17.000 hành khách, tăng bình quân khoảng 5%. Còn ở Cần Thơ, lượng hành khách đi qua các bến là hơn 50.000 hành khách, so với cùng kỳ năm trước tăng bình quân 18%.

Riêng TP Hà Nội do hành khách lựa chọn sử dụng xe ghép chuyến để đi về các tỉnh có cự ly gần khiến cho sản lượng vận tải khách giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tổng lượng hành khách đi qua các bến đạt vẫn đạt 106.000 hành khách, một con số cũng tương đối ấn tượng. Đặc biệt, dù sản lượng hành khách giảm nhưng số chuyến xe phục vụ lại tăng khoảng 5,3%, điều này cho thấy chất lượng dịch vụ cũng tăng đáng kể.

Nhìn chung, trong 7 ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hoạt động vận tải được đảm bảo thông suốt, thuận lợi. Năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ vận tải được nâng cao, bảo đảm an toàn và thông suốt. An ninh, trật tự tại các bến xe, nhà ga, cảng hàng không trên các tuyến vận tải, trên các phương tiện vận tải hành khách được duy trì tốt.

 

Nhờ chủ động chuẩn bị, phối hợp tốt nên về cơ bản các bến xe, nhà ga, cảng, bến thủy nội địa trong cả nước đều sẵn sàng đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, với mục tiêu không để hành khách phải lưu lại bến vì không có phương tiện” – Bộ Giao thông Vận tải