Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng thống Mỹ đề nghị G-7 họp thượng đỉnh về Ukraine

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyên bố của Nhà Trắng cho hay ông Obama đã đề nghị các nhà lãnh đạo nhóm G-7, trừ thành viên G-8 là Nga, cùng ông nhóm họp tại La Haye (Hà Lan), nơi ông sẽ tham dự một hội nghị an ninh hạt nhân, để bàn về cuộc khủng hoảng ở Ukraine và cách thức hỗ trợ nước này.

"Mỹ và các nước thành viên khác của G7 đã đình chỉ các công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G8 ở Sochi," nữ phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Caitlin Hayden cho biết.

Còn Nhà Trắng nói: "Hôm nay Tổng thống Obama đã mời các nguyên thủ Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Liên minh Châu Âu (EU) tham dự một hội nghị vào tuần tới nhân Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân ở La Hay.

"Hội nghị này sẽ tập trung vào tình hình ở Ukraine và các biện pháp tiếp theo mà G7 có thể tiến hành để đáp lại những diễn biến vừa qua và để hỗ trợ Ukraine."

Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng việc Moskva sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga sau cuộc trưng cầu dân ý và tuyên bố độc lập ở nước cộng hòa tự trị này là vi phạm luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Pháp Francois Hollande cũng đã kêu gọi EU đưa ra phản ứng "mạnh mẽ và phối hợp" đối với việc Nga sáp nhập Crimea, đồng thời khẳng định Paris không công nhận bước đi này.

Cũng trong ngày 18/3, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết nước này đã ngừng toàn bộ hợp tác quân sự với Nga sau khi Moskva ký hiệp ước đưa Crimea sáp nhập vào Nga.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin đã phát biểu khẳng định Crimea là một phần không thể tách rời với Nga và cuộc trưng cầu dân ý vừa diễn ra ở Crimea là sự kiện mang tính lịch sử.

Ông Putin khẳng định Nga không muốn Ukraine bị chia cắt, động thái nhằm trấn an Kiev và Phương Tây rằng ông không muốn sáp nhập thêm những khu vực khác của Ukraine vào Nga sau khi phê chuẩn những kế hoạch hợp nhất Crimea vào Nga.

Ông nói: “Chúng tôi không muốn chia cắt Ukraine và không cần phải làm như vậy.” Ngoài ra, Tổng thống Putin cũng cáo buộc Mỹ được chỉ đạo bằng “quy luật súng ống” chứ không phải luật pháp quốc tế trong chính sách đối ngoại. Ông nói: “Các đối tác Phương Tây của chúng ta do Mỹ đứng đầu không muốn được chỉ đạo bằng luật pháp quốc tế trong các chính sách thực tế của mình mà bằng quy luật súng ống".

Còn Cố vấn đối ngoại cấp cao của ông Putin khi đề cập đến lệnh trừng phạt của Mỹ và EU liên quan đến việc cấm cấp thị thực và phong tỏa tài sản đối với một số quan chức Nga thì nói rằng Moskva nhìn nhận những lệnh trừng phạt này với một sự "hài hước và châm biếm".