Ông "tổng" muốn rút lui Tiếp theo vụ tin nhắn về việc Chủ tịch và Tổng thư ký VFF rút lui khỏi chức vụ theo chỉ đạo, hôm nay thông tin về việc ông Trần Quốc Tuấn xin rút lui khỏi chức vụ tiếp tục rộ lên. Thông tin hậu trường của làng bóng đá Việt Nam cho biết ông Tuấn "tổng" đã có đơn xin từ chức từ tuần trước sau khi xuất hiện chiến dịch tin nhắn dồn dập tới lãnh đạo Bộ VH-TT&DL và Tổng cục TDTT, cũng như các nhân vật trong giới bóng đá. Mệt mỏi với sức ép và cảm thấy không thể tiếp tục công việc trong bối cảnh liên tục bị chỉ trích đích danh trong các "chiến dịch" đòi phải có người đứng ra chịu trách nhiệm liên quan đến thất bại của U23 Việt Nam tại SEA Games 26, ông Tuấn đã xin nhận toàn bộ trách nhiệm và rút lui khỏi nhiệm vụ. Khi PV liên hệ để hỏi thông tin chính xác về lá đơn từ chức của ông Tuấn, tất cả các nhân vật chủ chốt, trong đó có Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đều khẳng định không có lá đơn nào. Ông Hỷ cho biết: "Vị trí tổng thư ký do chủ tịch ra quyết định. Muốn bãi nhiệm, tổng thư ký phải nộp đơn lên chủ tịch. Hiện nay tôi chưa nhận được lá đơn nào ". Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Viễn cũng khẳng định không có lá đơn nào được đưa ra trong cuộc họp Thường trực VFF hôm 7/12. Điều này là đúng, bởi theo nguồn tin hậu trường thì lá đơn của ông Tuấn đã "bị gửi nhầm" địa chỉ lên Bộ VH-TT&DL. VFF đau đầu vì nhân sự Nếu việc ông Tuấn rút lui làm giảm bớt sức ép dư luận lên những cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý thể thao như Bộ VH-TT&DL cũng như Tổng cục TDTT, thì đây là một thay đổi làm rối tung VFF. Với việc VPF ra đời, bộ phận Thường trực của tổ chức này đã khuyết đi hai người là các Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng, Phạm Ngọc Viễn, công việc còn lại của VFF nếu mất thêm ông Tuấn sẽ rối vì ông này đang kiêm rất nhiều nhiệm vụ. Ngoài vị trí Tổng thư ký VFF, ông còn là ủy viên của các đơn vị như ban chấp hành, ban Tầm nhìn châu Á, ban giám sát của LĐBĐ châu Á (AFC), ủy viên Hội đồng và ban thi đấu của LĐBĐ Đông Nam Á (AFF). Lập tức tìm được người đảm nhận tất cả khối lượng công việc mà không có thời gian bàn giao là việc đánh đố đối với VFF. Vì vậy, trong cuộc họp nội bộ Thường trực VFF hôm 7/12, lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam đều muốn thuyết phục ông Tuấn ở lại. Nói về cuộc họp này, ông Hỷ cho biết: "Chúng tôi đã tiến hành mổ xẻ sau thất bại tại SEA Games 26 và anh Tuấn cũng đã đứng ra xin nhận trách nhiệm về mình. Tôi cho rằng anh Tuấn không kém bản lĩnh tới mức vì áp lực dư luận mà từ chức". "Không chỉ có tôi mà rất nhiều thành viên của VFF đều đánh giá anh Tuấn là người có công rất lớn trong sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Vì lẽ đó, công tội phải được nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan. Tôi cũng đã nhiều lần trực tiếp nói chuyện với anh Tuấn về những sức ép. Điều đó là không tránh khỏi sau những thất bại. Trong trường hợp nếu anh Tuấn từ chức, chắc chắn là VFF sẽ có một khoảng trống về cán bộ. Một công việc quan trọng không kém nữa là sẽ phải có sự sắp xếp hợp lý cho Tuấn bởi anh là người rất có năng lực, có thể đảm nhiệm những vị trí quan trọng", ông Hỷ nhận xét. VFF trước viễn cảnh thay đổi nhân sự Bên lề câu chuyện về vụ xin rút lui của ông Tuấn, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ - nhân vật thứ hai trực tiếp dính tới vụ tin nhắn từ chức vừa xảy ra, đã lên tiếng trả lời về vụ việc. Ông cho biết bản thân cũng nhận được các tin nhắn, nhưng đó chỉ là những tin nhắn từ số máy sim rác và cho rằng đó chỉ là ý đồ của cá nhân nào đó. VFF trong những ngày này đang dồn sức cho việc thành lập VPF. Vì thế, ông Hỷ cho rằng vụ tin nhắn khá nhạy cảm với tình hình của VFF: “Đây là những thông tin bất lợi, nhất là khi Đại hội cổ đông VPF sắp diễn ra”. Đại hội cổ đông VPF sẽ được tổ chức vào ngày 14/12. Không tự mình tuyên bố trước công luận, nhưng nguồn tin hậu trường cho biết trong cuộc họp Thường trực VFF, chính ông Hỷ cũng xin rút lui để nhận trách nhiệm về thất bại của U23 Việt Nam. Trước những thông tin thay đổi nhân sự cấp cao ở VFF, theo quy trình, vị trí Tổng thư ký có khả năng được quyết định nhanh khi các bên đạt được sự thống nhất. Còn vị trí Chủ tịch VFF muốn bầu lại phải chờ VFF thống nhất tổ chức Đại hội bất thường.