Theo thông tin từ PC50, thủ đoạn của Nguyễn Văn Tiến là sử dụng tài khoản facebook của mình lập nhiều fanpage khác nhau, sử dụng ảnh đại diện là biểu tượng (logo) của các tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời, Tiến đăng thông tin kèm số điện thoại của mình để các cơ quan, tổ chức liên hệ mua tên miền fanpage của mình. Tuy nhiên, sau một thời gian không có người hỏi mua, khoảng đầu tháng 3/2014, Tiến đã đổi tên các fanpage, thêm các từ "lừa tiền", "lừa đảo"… nhằm mục đích tạo áp lực để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải mua lại fanpage. Thủ đoạn lập các trang web bôi nhọ, nói xấu rồi tạo áp lực ép các cơ quan, tổ chức mua lại tên miền, trang web không mới. Tuy nhiên, trong vụ việc này, đối tượng khá khôn ngoan, đã lập fanpage vì không phải đăng ký tên miền như trang web. Việc sử dụng mạng xã hội đã trở thành quen thuộc đối với người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Với nhiều tiện ích như khả năng kết nối cộng đồng, chia sẻ thông tin, kết bạn rộng rãi, mạng xã hội gần như đã trở thành một cuốn nhật ký điện tử. Song, cũng từ các mạng xã hội đã phát sinh nhiều hệ lụy do việc sử dụng tùy tiện công cụ này. Trên mạng xã hội, mọi người dễ dàng chia sẻ các thông tin, thậm chí là những thông tin ảnh hưởng tới danh dự và uy tín cá nhân khác mà không hề nghĩ tới việc thông tin đó có chính xác không, đã được kiểm chứng chưa (?). Theo quy định tại Nghị định 174 của Chính phủ, người cung cấp các thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng. Hay với trường hợp đối tượng Nguyễn Văn Tiến, sử dụng thông tin đó để uy hiếp nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tù từ 1 - 5 năm về hành vi cưỡng đoạt tài sản (theo Khoản 1 Điều 135 Bộ Luật hình sự quy định về tội cưỡng đoạt tài sản). Thông tin trên mạng xã hội vốn được coi là trên không gian "ảo", song với hành vi vi phạm pháp luật thì không còn "ảo". Vì, thông tin đó đã gây ảnh hưởng đến danh dự và cuộc sống của một con người.