Bê tông bên dưới đường ray tuyến metro số 1 bị nứt sau sự cố gối cao su trên dầm cầu cạn thuộc gói thầu CP2 bị rớt |
Tuy nhiên, vì gối cầu tại vị trí VD14 (đoạn cầu cạn xảy ra sự cố trượt gối) có một phần bê tông đầu dầm bị nứt vỡ khiến bước thi công cáp thuộc gói thầu CP3 (nhà thầu Hitachi phụ trách) chịu ảnh hưởng. Để giải quyết vấn đề này, Tư vấn giám sát NJPT đề xuất 4 phương án đảm bảo khả năng chịu lực an toàn cho người và thiết bị thi công tại đoạn dầm bị hỏng.
Theo đó, tạm dừng kéo cáp tại gói thầu CP3 cho đến khi sự cố được giải quyết. Thứ hai, vẫn tiếp tục kéo cáp theo kế hoạch của Hitachi, với điều kiện nhà thầu SCC chịu hoàn toàn trách nhiệm về sau. Thứ 3, kéo cáp với các hộp nối kỹ thuật chờ sẵn. Thứ 4, vẫn kéo cáp theo cách thức chuyển hướng thi công tại đoạn dầm hỏng VD14.
Sau khi trao đổi dựa trên 4 hướng đề xuất nêu trên, MAUR đề nghị nhà thầu Hitachi tiếp tục thi công kéo cáp tại các vị trí đủ điều kiện. Việc này nhằm đảm bảo tiến độ dự án với 2 mũi thi công khác nhau, nhưng không bao gồm đoạn dầm hỏng VD14 đến khi hoàn thành các đánh giá kỹ thuật, an toàn của đoạn dầm.
“Ngoài ra, các gối cao su bản thép trên hệ thống cũng đang được quan trắc lại toàn bộ để có căn cứ xem xét độ tiếp xúc êm thuận giữa đáy dầm và gối cầu, từ đó đánh giá độ ổn định của các gối này”, đại diện MAUR cho hay.
Trước đó, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2020 - tháng 1/2021, 2 sự cố liên tiếp liên quan đến gối cao su của tuyến Metro số 1 khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ đây không chỉ là vấn đề đơn lẻ như nhận định của nhà thầu.
Cụ thể, các nhận định từ hội đồng khoa học vẫn đang nghiêng về góc độ sai sót kỹ thuật thay vì chất lượng gối cao su. Thậm chí, nhiều người đặt lo ngại rằng việc dịch chuyển vị trí này tiềm ẩn nguy cơ trượt gối tương tự. Thậm chí, nhà thầu sẽ phải đánh giá lại vấn đề khi sự cố không dừng lại ở 2 gối cầu hiện tại.