TP Hồ Chí Minh: ghi nhận 116 ca mắc bệnh sởi, có 3 ca tử vong

Việt Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedithi - Tính từ đầu năm đến nay, các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh ghi nhận 116 ca mắc bệnh sởi, trong đó 3 ca tử vong do những bệnh lý mạn tính dẫn đến biến chứng nặng.

Theo thông tin từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh ngày 11/8 cho biết, báo cáo từ các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm 2024 đến ngày 4/8 đã có 505 ca sốt phát ban nghi sởi. Trong đó có 262 ca xét nghiệm dương tính với hơn 50% số ca bệnh sởi ở tỉnh thành khác đến khám và điều trị.

Riêng TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm tới nay có 201 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 116 ca xét nghiệm dương tính. Trong khi đó từ năm 2021 đến năm 2023 cả TP chỉ có 1 ca xét nghiệm dương tính.

Biểu đồ thể hiện ca sốt phát ban nghi sởi theo tuần năm 2024 tại TP Hồ Chí Minh (Nguồn: HCDC)
Biểu đồ thể hiện ca sốt phát ban nghi sởi theo tuần năm 2024 tại TP Hồ Chí Minh (Nguồn: HCDC)

Cụ thể, trong 116 ca, có 27,6% là trẻ dưới 9 tháng tuổi, 78,4% là trẻ dưới 5 tuổi. Số bệnh nhân chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi chiếm đến 66% và có đến 30% không rõ tiền sử tiêm chủng.

Bên cạnh đó, trong đợt dịch sởi năm nay các bệnh viện của TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận 3 trẻ tử vong liên quan đến bệnh sởi.

Trường hợp thứ nhất là bé gái 3 tuổi, có bệnh nền suy giảm miễn dịch thể giảm kháng thể, chậm phát triển tâm vận, suy dinh dưỡng, chưa được tiêm chủng vaccine sởi.

Trẻ thứ 2 là bé gái 4 tháng tuổi, hội chứng cushing, tăng tuyến thượng thận, chưa đủ tuổi tiêm chủng.

Trường hợp thứ 3 là bé trai 7 tuổi, bị bệnh bạch cầu cấp dòng lympho đã ghép tủy, suy tim và suy thận mạn, đã tiêm chủng 2 mũi vaccine sởi.

Cả 3 trẻ đều mắc những bệnh lý mạn tính, dẫn đến biến chứng nặng khi mắc bệnh sởi và đã tử vong dù được tích cực điều trị.

Da một bệnh nhân sau ba ngày nhiễm virus sởi. Ảnh minh họa 
Da một bệnh nhân sau ba ngày nhiễm virus sởi. Ảnh minh họa 

Cũng heo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, mọi người đều có thể mắc bệnh sởi, tuy nhiên bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trong đó, những trẻ không được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ là đối tượng đầu tiên của bệnh sởi và trở thành “cầu nối” lây nhiễm cho những người xung quanh, gồm người lớn chưa được tiêm chủng trước đây, trẻ nhỏ chưa đến tuổi chỉ định tiêm ngừa sởi và cả những người đã tiêm ngừa đủ 2 mũi. Chỉ khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95% với 2 liều vaccine, dịch bệnh sởi mới có thể được kiểm soát.

Trước sự gia tăng nhanh chóng của số ca bệnh sởi, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo nhiều biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát sự lây lan dịch bệnh trên địa bàn TP, khống chế số ca biến chứng nặng và tử vong. 

Đồng thời, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế các quận, huyện và TP Thủ Đức, các trạm y tế xã, phường, đẩy mạnh hoạt động tiêm bù, tiêm vét cho trẻ trong độ tiêm chủng; tích cực rà soát trẻ sống trên địa bàn và tư vấn gia định đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine sởi và các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. 

Bên cạnh đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai hiệu quả mạng lưới giám sát ca bệnh, hoạt động tiêm chủng và truyền thông phòng chống dịch bệnh. 

Đặc biệt, Sở Y tế đã tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch chủ động ứng phó dịch bệnh sởi và triển khai tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi cho trẻ từ 1 - 5 tuổi không kể tiền sử tiêm chủng theo khuyến cáo của các chuyên gia từ Tổ chức Y tế thế giới, CDC Mỹ, các chuyên gia về Y tế công cộng của TP.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh sởi là bệnh lây truyền cấp tính qua đường hô hấp, do virus thuộc giống Morbillivirus của họ Paramyxoviridae gây nên. Đặc điểm để nhận biết bệnh sởi ở trẻ em là sốt, viêm long đường hô hấp và tiêu hóa, viêm kết mạc mắt, nổi các vết phát ban dát đỏ lan theo thứ tự từ mặt đến tay chân và cả cơ thể.

Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy... có thể gây tử vong.

Bệnh này đã ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể, có thể khiến cho cơ thể không tự đề kháng trước các bệnh nhiễm trùng và làm cho trẻ bệnh trở nên yếu ớt, dễ bị bệnh.

Đến nay, sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt ở nhóm người chưa có miễn dịch phòng bệnh sởi do chưa được tiêm chủng vaccine sởi, chưa từng mắc bệnh sởi trước đó.