Trong giai đoạn 2011 – 2015, kinh tế TP Hồ Chí Minh duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, đúng hướng. Tổng sản phẩm nội địa tăng bình quân 9,6%/năm (gấp 1,66 lần so với cả nước), chiếm tỷ trọng 21,5% GDP quốc gia, kim ngạch xuất khẩu chiếm 20% cả nước, thu nhập bình quân đầu người trên 5.500 USD, gấp hơn 2,5 lần so với toàn quốc; đóng góp hơn 33% thu ngân sách Nhà nước, tăng gấp 2 lần giai đoạn 2006 – 2010 và là một trong những địa phương thu hút đầu tư lớn của cả nước với trên 5.680 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư hơn 39,5 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư xã hội tăng, hiệu quả đầu tư ngày càng nâng lên, giai đoạn 2006 - 2010 một đồng vốn ngân sách thu hút 8,5 đồng vốn xã hội, giai đoạn 2011 - 2015 thu hút trên 12,5 đồng. Thị trường hàng hóa phát triển nhanh hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có quy mô thị trường gấp 2,38 lần so với giai đoạn 2006 - 2010.
Trên cơ sở thành công trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2015, tại Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X đã đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2016 – 2020, xây dựng TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn đối với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á; góp phần tích cực đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Phát triển TP Hồ Chí Minh thành trung tâm văn hóa, thể thao, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng và cả nước; đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Để đạt được mục tiêu này, TP Hồ Chí Minh đã đưa ra 14 chỉ tiêu phát triển kinh tế trong giai đoạn 2016 – 2020 phải đạt được như sau: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân hàng năm 9,5 - 10%; của ngành dịch vụ bình quân 10,17 - 11%/năm; của ngành công nghiệp bình quân 8,7%/năm; của ngành nông nghiệp bình quân 5%/năm; Cơ cấu kinh tế năm 2020 (% trong GDP) đối với ngành dịch vụ 58,16 - 60,07%, ngành công nghiệp - xây dựng 39,19 - 41,06%, ngành nông nghiệp từ 0,74 - 0,78%; Trong 5 năm (2016 - 2020), hàng năm tạo việc làm mới 125.000 người; đến cuối năm 2020 tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,5 - 5%. Đến cuối năm 2020, tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân trên đầu người đạt 8.430 - 8.822 USD, nâng thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 3,5 lần so với đầu năm 2011…
Để hoàn thành những chỉ tiêu kinh tế - xã hội như đã đề ra, cũng như phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của vùng, của cả nước, TP Hồ Chí Minh đã đề ra 7 chương trình đột phá phải thực hiện trong giai đoạn 2016 – 2020, như: “1: Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; 2: Chương trình cải cách hành chính; 3: Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP; 4: Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; 5: Chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; 6: Chương trình giảm ô nhiễm môi trường; 7: Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị.
Mỗi người dân TP Hồ Chí Minh đều có chung niềm tự hào, phấn khởi trước những thành quả mà TP đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, trong đó điều dễ nhận thấy nhất ở TP đã thực sự khoác trên mình dáng dấp của một TP văn minh hiện đại. Những thành quả ấy đã mang đến cho Nhân dân TP niềm tin và niềm tự hào lớn lao để hướng về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Đại lộ Võ Văn Kiệt kết nối hành lang Đông - Tây của TP Hồ Chí Minh.
|