Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh nghiên cứu kết nối các tuyến xe buýt với tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên

Đoàn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách một cách thuận lợi sau khi tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên dự kiến đi vào hoạt động năm 2020, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh đang nghiên cứu đề xuất phương án kết nối các tuyến xe buýt thu gom với tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên.

Cùng với đó, đơn vị cũng tổ chức các tuyến xe buýt tại Bến xe miền Đông mới, kết nối các tuyến buýt đường sông.
 TPHCM nghiên cứu phương án kết nối các tuyến xe buýt với tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên. Trong ảnh: Hành khách đi lại tại bến xe buýt Bến Thành gần nhà ga metro Bến Thành.
Ngày 24/2, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh cho biết: Trong năm 2018, đơn vị phấn đấu khối lượng vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đạt 635 triệu lượt, trong đó khối lượng VTHKCC bằng xe buýt là 325 triệu lượt (khối lượng xe buýt phổ thông có trợ giá là 242 triệu lượt). Song song đó, tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng, khối lượng VTHKCC với mục tiêu “lấy hành khách, người dân là đối tượng phục vụ” và sử dụng hiệu quả kinh phí trợ giá xe buýt. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành VTHKCC. Mặt khác, nghiên cứu mở mới các tuyến xe buýt nhằm tăng cường độ bao phủ mạng lưới, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân; trong năm 2018 phấn đấu mở mới ít nhất 10 tuyến.
Để thực hiện các mục tiêu trên, năm 2018, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP sẽ tập trung chính vào một số nội dung chính như sau: Triển khai lập Quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đến năm 2030 và hoàn chỉnh đề án Quy hoạch phát triển VTHKCC bằng taxi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đến năm 2025. Cùng với đó, triển khai mở mới các tuyến xe buýt để phục vụ người dân tốt hơn; trong đó tập trung tổ chức các tuyến xe buýt tại Bến xe miền Đông mới, kết nối các tuyến buýt đường sông. Đầu tư đổi mới đoàn phương tiện, tiếp tục trình UBNDTP về Đề án đầu tư phương tiện giai đoạn 2018 - 2020.
Bên cạnh đó, tập trung, tăng cường công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, bến bãi xe buýt. Cụ thể, nghiên cứu đề xuất phương án kết nối các tuyến xe buýt thu gom với tuyến Metro số 1; tổ chức làn ưu tiên và làn dành riêng cho xe buýt trên trên đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ; nghiên cứu đề xuất tổ chức bãi giữ xe 2 bánh cho hành khách sử dụng xe buýt tại các bến xe buýt và khu vực của ngõ thành phố; phối hợp với các đơn vị bố trí điểm đón trả khách phục vụ các tuyến đưa rước học sinh, công nhân. Phát triển các bến bãi mới phục vụ cho hoạt động VTHKCC như xây dựng các bến xe buýt Tân Quy, Bến Súc, An Nhơn Tây, Khu Chế xuất Linh Trung 2, Hóc Môn, Lê Minh Xuân; điểm trung chuyển hành khách xe buýt tại xã Phú Xuân; nâng cấp bến xe buýt Chợ Lớn, Tân Phú.
Mặt khác, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai mở rộng các bảng điện tử thông tin giờ xe buýt đến trạm để người dân dễ dàng đón xe buýt, triển khai đầu tư hệ thống vé xe buýt thông minh.
Ngoài ra, trình UBND TP, Sở Giao thông vận tải TP để ban hành các cơ chế chính sách phát triển VTHKCC như: Hoàn chỉnh đề án xây dựng phương án vé và phương pháp tính trợ giá nhằm thu hút các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nâng cao chất lượng dịch vụ. Triển khai đề án đổi mới mô hình quản lý của các hợp tác xã vận tải xe buýt hướng đến việc phát triển doanh nghiệp vận tải theo mô hình quản lý tập trung. Triển khai mở rộng đề án thí điểm quảng cáo bên ngoài thân xe buýt trên tất cả các tuyến xe buýt để tạo nguồn thu, giảm một phần kinh phí trợ giá từ ngân sách...