Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: "Nóng" vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, giao thông và môi trường

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/1, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 24 quận huyện triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2020. Nhiều ban, ngành của TP đã đề ra những kế hoạch nhằm giải quyết các nhóm vấn đề tồn tại như kẹt xe, ngập nước, tình trạng thiếu nhà ở...

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị.
Mục tiêu 20.000 căn nhà ở cho người thu nhập thấp
Liên quan đến kế hoạch, giải pháp về nhà ở cho người thu nhập thấp, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, trước mắt, Sở Xây dựng cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai theo chủ trương của UBND TP, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án nhà ở theo quy hoạch, tạo lập quỹ nhà ở hợp pháp, đáp ứng đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Trong năm 2019, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, bằng nhiều biện pháp Sở Xây dựng đã tham mưu cho TP, đã phát triển được 8,42 triệu m2 sàn nhà ở, nâng tổng diện tích nhà ở trên địa bàn TP là 182,19 triệu m2, diện tích nhà ở bình quân là 20,24 m2/người (vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X đã giao là 19,8 m2);
Đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội trên địa bàn TP, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, những người có thu nhập thấp. Năm 2019, đã xây dựng hoàn thành 6 dự án (chuyển tiếp từ năm 2018) với 6.091 căn hộ, lũy kế từ 2016 đến năm 2019 hoàn thành 14.065 căn hộ. Trong năm 2020, tiếp tục theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công của các dự án, phấn đấu đến hết 2020 sẽ hoàn thành 20.000 căn nhà ở xã hội theo kế hoạch.
Về lâu dài, đã trình Đề cương và đang hoàn thiện Đề án “Giải pháp nhà ở đáp ứng gia tăng dân số 2 triệu người giai đoạn 2020 - 2030” và triển khai trong giai đoạn tiếp theo.
Quang cảnh Hội nghị
Ưu tiên cho các dự án trọng điểm giao thông
Giám đốc sở GTVT TP Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, năm 2019, ngành giao thông vận tải TP ưu tiên tập trung triển khai các dự án hạ tầng giao thông thuộc Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 - 2020.
Triển khai, đẩy nhanh tiến độ các dự án có tính chất quan trọng ở Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực Cảng Cát Lái, các dự án ở các vị trí cửa ngõ TP và một số dự án trọng điểm ở khu vực nội đô… và đặc biệt là giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị. TP đã và đang tập trung triển khai 216 dự án hạ tầng giao thông, tổng vốn đầu tư khoảng 78.158 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP và nguồn vốn ngoài ngân sách.
Trong năm 2020, mục tiêu lớn của ngành giao thông vận tải thành phố là hoàn thành một số dự án trọng điểm như: Cầu Thủ Thiêm 2, một số hạng mục Nút giao Bến xe Miền Đông để đồng bộ với việc di dời Bến xe Miền Đông, cải tạo mặt đường Tỉnh lộ 10B để cải thiện hướng giao thông về Long An; hoàn thành Hầm chui An Sương ở cửa ngõ Quốc lộ 1, Quốc lộ 22 phía Bắc TP,… đồng thời phấn đấu khởi công các dự án quan trọng khác như: Nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, một số dự án khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất; các dự án phục vụ cho khu vực Cảng Cát Lái,... đẩy nhanh thủ tục cho các dự án Khép kín Vành đai 2, tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải để triển khai các thủ tục tiếp theo đối với Vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 - Bến Lức.
Ông Trần Quang Lâm cũng trình bày về các giải pháp tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông. Theo đó, sẽ tiếp tục nghiên cứu và triển khai có hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ các công trình giao thông, ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai, các tuyến cao tốc, đường sắt đô thị; phát triển vận tải hành khách công cộng (đường bộ, đường thủy), hệ thống bến bãi vận tải.
Xây dựng Đề án huy động tổng thể các nguồn lực để phục vụ cho đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn thành phố: phát hành trái phiếu địa phương; chuyển đổi linh hoạt về nguồn vốn đầu tư, hình thức đầu tư của các dự án đầu tư; khai thác nguồn lực từ đất đai, bất động sản (như xem xét đánh thuế tài sản thứ 2); rà soát hiện trạng sử dụng đất và nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh quy hoạch đô thị xung quanh các trục giao thông chính, các tuyến đường sắt đô thị, nhà ga Metro để tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo nguồn thu cho ngân sách từ khai thác hiệu quả quỹ đất phát triển đô thị dọc các trục giao thông, các tuyến đường sắt đô thị; TP chủ động tạm ứng ngân sách TP để triển khai thu hồi và tổ chức đấu thầu một số khu đất, mặt bằng nhà xưởng giá trị lớn để tạo vốn đầu tư các công trình giao thông trọng điểm.

Kinh tế TP đang chuyển dịch đúng hướng

Ông Nguyễn Thiện Nhân -  Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã đánh giá toàn diện về những thành phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2019 của TP. Năm 2019 mức tăng trưởng của TP đạt 8,32%, năm thứ 4 liên tiếp kinh tế TP tăng trưởng tốt. Giá trị sản phẩm nội địa tính trên km2 của TP gấp 35 lần so với mức bình quân của cả nước.

Năm 2000 nguồn thu từ dịch vụ chiếm 45%, năm 2019 nguồn thu từ dịch vụ đã chiếm 70%; nguồn thu từ công nghiệp - dịch vụ chiếm 90%, cho thấy sự chuyển dịch kinh tế đúng hướng. Trong năm 2019, tổng nguồn thu trên đia bàn đã đạt 409.000 tỷ đồng...

Những vấn đề tồn tại gây bức xúc cho người dân như kẹt xe, ngập nước, rác thải đã từng bước được xử lý. Chưa bao giờ trong 1 năm mà có thể khởi công được 3 nhà máy đốt rác phát điện như năm 2019; chưa bao giờ trong một năm mà có thể chuyển đổi được trên 90% mô hình thu gom rác.

Các vấn đề ngập nước kẹt xe đang được xử lý quyết liệt... Những vấn đề bức xúc ngắn hạn và trung hạn đã được xử lý giảm mức độ bức xúc, Thủ Thiêm là điển hình; Khu Công nghệ cao đang tập trung xử lý...