Cuộc họp cấp bộ trưởng nhằm nỗ lực hoàn thiện TPP đã bước kéo dài hơn so với dự kiến 3 ngày. Phía Mỹ - với vai trò chủ trì các phiên họp đã đề nghị kéo dài thêm 24 tiếng - và dự kiến tới ngày 4/10 tại Mỹ, ngày 5/10 (giờ Việt Nam) sẽ kết thúc.
Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán Thỏa thuận Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương tại một cuộc họp báo ở Maui, Hawaii. Ảnh: Reuters
Xoay vần những hòn đá tảng
Hòn đá tảng nặng nề nhất - vấn đề thời hạn bảo hộ độc quyền được phẩm giữa Mỹ và Austrlia cùng 5 quốc gia khác đã tìm được tiếng nói chung.
Trước đó, phía Mỹ và Australia vẫn còn nhiều khúc mắc về thời hạn bảo hộ sở hữu trí tuệ với dược phẩm. Trong khi Washington muốn kéo dài quá trình này tới12 năm, phía Canberra nhận định thời hạn này chỉ nên là 5 năm. Tuy nhiên, hai bên đã để ngỏ thiện chí thống nhất thời hạn này là 8 năm. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi bao gồm Chile, Peru và Malaysia vẫn đang thúc giục giữ mức trần 5 năm.
Theo nguồn tin thân cận của hãng Reuters, Canberra đã đồng ý kéo dài thêm thời hạn độc quyền này theo mong muốn của Washington. Nguồn tin cũng tiết lộ “có tới 80 -90% hoàn tất TPP trong phiên họp này”.
Thời kỳ độc quyền của dược phẩm là vấn đề nhạy cảm với các quốc gia có chi phí chăm sóc y tế cao, với tham vọng mong muốn các loại thuốc thay thế giá rẻ có thể nhanh chóng thâm nhập thị trường. Ngược lại, các công ty dược phẩm Mỹ cho rằng tăng thời hạn độc quyền sẽ giúp thúc đẩy đầu tư trong ngành này.
Đây là 1 trong 3 vấn đề lớn xoay sở tìm tiếng nói chung trong kỳ họp lần này với quyết tâm ký kết TPP của 12 bộ trưởng thương mại đã lên tới đỉnh điểm. Trước đó, vấn đề quy định sử dụng bao nhiêu phần trăm linh kiện ô tô sản xuất thuộc các nước trong khối đã có những bước tiến nhất định.
Cụ thể, Nhật Bản mong muốn phần trăm linh kiện ô tô nhập khẩu nội khối sẽ linh hoạt ở mức thấp vì các hãng xe hơi nước này có nhà máy một số nước có nền kinh tế mới nổi khác ở châu Á, vốn chưa tham gia TPP. Trong khi đó Mexico và Canada, hai nhà phân phối linh kiện chính cho thị trường Mỹ lại mong muốn tỷ lệ này cao hơn để giữ những lợi thế cho doanh nghiệp của mình. Trong một bước đàm phán đột phá, Nhật Bản đã hạ yêu cầu này xuống một mức nhất định và nhận được sự ủng hộ từ các nước đối tác khi Canada và Mexico đã phát tín hiệu sẵn sàng mở cửa thị trường ô tô Bắc Mỹ cho nhiều linh kiện sản xuất tại châu Á.
Vấn đề đáng chú ý còn lại là khác biệt giữa các nước Mỹ, Canada và New Zealand quanh vấn đề bảo hộ ngành công nghiệp bơ sữa. New Zealand muốn đảm bảo nền lợi thế cho nền công nghiệp bơ sữa trong TPP với việc mở cửa các thị trường như Canada, Mexico, Nhật Bản và Mỹ. Trong khi đó đối với Canada, việc bảo vệ quyền lợi cho các nông dân ngành sữa cũng có tầm ảnh hưởng rất lớn, trong bối cảnh nước này chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử quan trọng cuối tháng này.
Tương lai của trật tự thương mại
Trải qua nhiều lần lỡ vạch đích kể từ khi bắt đầu khởi động vào đầu năm 2008, TPP một khi nếu thành công sẽ trở thành khu vực mậu dịch tự do thương mại lớn nhất thế giới, chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu. Các bên liên quan tuyên bố đây sẽ là hạn chót trong vòng đàm phán lần này. Nếu tiếp tục thất bại, giới phân tích cho rằng sớm nhất cũng phải tới năm 2017, các vấn đề về TPP mới được tiếp tục đưa ra giải quyết.
Do đó, Washington được cho là đang nỗ lực hết sức nhằm biến TPP với những điều khoản ngặt nghèo về tự do thương mại, bảo vệ tài sản trí tuệ, trở thành một tổ chức hợp tác kinh tế lớn nhất thế giới, qua đó có thể cân bằng thế đối trọng với Trung Quốc trên sân chơi thương mại, kinh tế.
Ngược lại, Bắc Kinh cũng đã và đang tìm kiếm thành lập một khu vực kinh tế chung châu Á. Giới phân tích cho rằng nếu TPP tiếp tục đi vào ngõ cụt, Washington sẽ thất thế với Trung Quốc trong cuộc đua kết nối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào quỹ đạo của mình.
Kể từ cuối năm 2014 đến nay, Mỹ đã thất bại trong việc ngăn cản một số đồng minh hàng đầu như Anh, Pháp, Đức, Italia… gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu. Định chế tài chính này được cho là đối trọng của Bắc Kinh đối với Ngân hàng Thế giới (WB) cũng như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vốn chịu ảnh hưởng lớn từ Mỹ.