Mịt mù giảm giá xe nhập
Theo đánh giá mới đây của Công ty chứng khoán BSC về tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với Việt Nam, ô tô là một trong những ngành mà nước ta được hưởng lợi nhiều nhất, đặc biệt là trong mảng nhập khẩu xe nguyên chiếc khi thuế suất sẽ về mức 0%. Điều này hoàn toàn có cơ sở nếu biết, hiện tại, tổng lượng ô tô nhập khẩu từ 2 quốc gia trong TPP là Mỹ và Nhật của chiếm 13% tổng kim ngạch mặt hàng này của Việt Nam.
Không chỉ có các tổ chức tài chính, nhiều chuyên gia kinh tế Việt Nam đồng ý với nhận định trên khi đưa ra những câu trả lời tương tự về triển vọng mua xe giá rẻ dành cho người Việt. Tuy nhiên, có một điểm chung khi các ý kiến này đều không chỉ rõ thời điểm nào "giấc mơ" mua xe giá rẻ đó sẽ trở thành sự thật? 5 - 10 năm hay thậm chí là lâu hơn nữa ?
Mặc dù các điều khoản chi tiết của TPP dành cho lĩnh vực ô tô chưa được tiết lộ nhưng theo báo chí quốc tế, Việt Nam sẽ tiến hành lộ trình giảm thuế về 0% trong vòng 10 năm đối với xe có dung tích 3.0L trở lên và dưới 3.0L là 13 năm. Đây cũng chính là quãng thời gian đã được những nước xuất khẩu ô tô hàng đầu trong khối TPP gồm Nhật Bản, Mỹ, Mexico và Canada đã thống nhất trong lộ trình giảm thuế nhập khẩu nội khối.
Tuy TPP đã được các quốc gia thành viên ký kết thành công nhưng để bắt đầu đi vào có hiệu lực thì cần mất một quãng thời gian nhất định nữa, theo đánh giá của giới phân tích nhanh nhất cũng phải tới nửa cuối 2016 Hiệp định này mới có thể có những tác động ban đầu. Như vậy tối thiểu phải tới năm 2026 tức là gần 11 năm nữa, mức thuế nhập dành cho các mặt hàng xe hơi trong khu vực TPP mới có thể về 0%.
Hơn 10 năm là quãng thời gian khá dài để có thể khẳng định TPP có thực sự khiến ô tô trở thành mặt hàng giá rẻ hoặc thậm chí có giá bình dân ở Việt Nam hay không nhưng với những diễn biến của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có thể thấy "ước mơ" này là khá xa xôi.
Cũng giống như TPP, ATIGA cũng có lộ trình giảm thuế nhập khẩu, tiến tới 2018 mức này sẽ chỉ còn 0%. Tuy nhiên trên thực tế diễn ra, đặc biệt là trong giai đoạn 2012-2014, mức thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước ASEAN đã giảm từ 70% xuống 50% nhưng cũng từ đó đến nay, giá xe nhập cũng chỉ được điều chỉnh khá nhỏ giọt với mức giảm không đáng kể. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là song song với thuế nhập khẩu giảm thì các loại thuế khác lại được giữ nguyên hoặc thậm chí là được tăng.
Đối với ô tô nhập khẩu, bên cạnh thuế nhập khẩu còn phải chịu các loại phí và thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế trước bạ. Cả 3 loại thuế này đều không chịu rằng buộc với bất cứ hiệp định thương mại nào và chỉ cần điều chỉnh 1 loại trong số này cũng có thể khiến việc giảm thuế nhập khẩu chở nên vô nghĩa. Trên thực tế, Tổng cục Hải quan cũng từng đưa ra khả năng sẽ điều chỉnh tăng các loại thuế trên nhằm bù vào khoản thiếu hụt nguồn thu ngân sách do mức thuế nhập khẩu giảm về 0% vào năm 2018.
Đặc biệt vào tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô trở thành ngành công nghiệp quan trọng của đất nước. Để có thể làm được điều này, việc hạn chế nhập khẩu là một trong những biện pháp quan trọng và cần thiết nhất.
Chính đại diện của Porsche tại Việt Nam cũng cho rằng, dưới tác động của các Hiệp định thương mại, số lượng xe nhập khẩu bán ra tại thị trường Việt Nam chắc chắn sẽ tăng, nhưng việc giảm giá hay không lại phụ thuộc chính vào các loại thuế khác đi kèm, mà các loại thuế này lại không bị quản lý bởi các Hiệp định, vì vậy rất khó để khẳng định giá xe nhập khẩu tại Việt Nam sẽ giảm trong thời gian tới.
Như vậy có thể thấy, trong quãng thời gian ngắn trước mắt khả năng giá ô tô nhập khẩu sẽ khó có thể rẻ đi đáng kể và phù hợp với đa số người mua Việt Nam dưới sự tác động của các Hiệp định như TPP hoặc thậm chí là ATIGA.
Xe nội... còn xa hơn
Nếu như khó có thể hy vọng vào việc giảm giá xe nhập khẩu, người tiêu dùng Việt Nam còn có thể trông đợi vào xe lắp ráp trong nước để có cơ hội mua ô tô phù hợp với mức thu nhập. Tuy nhiên, "tương lai" này còn xa xôi hơn rất nhiều so với việc giảm giá xe nhập khẩu.
Đối với TPP, ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam không có "cửa" để xuất khẩu. Bởi để có thể hưởng được những ưu đãi từ Hiệp định này, một chiếc ô tô hoàn chỉnh phải có ít nhất 45% linh kiện được sản xuất nội khối. Trong khi đó những hãng sản xuất xe hàng đầu Việt Nam như Thaco chỉ đạt khoảng 15% tỷ lệ nội địa hóa, thậm chí là Toyota Việt Nam con số này cũng mới đạt ngưỡng 35%. Mặt khác đa phần các linh kiện dùng để lắp ráp xe trong nước được nhập khẩu từ Trung Quốc và Thái Lan, đây đều là các quốc gia không thuộc TPP.
Chính vì vậy, để xuất khẩu được hoặc thậm chí chỉ cần đáp ứng nhu cầu trong nước nhờ đó người Việt có thể mua được xe giá rẻ, không cách nào khác là Việt Nam bắt buộc phải tăng tỷ lệ nội địa hóa của những chiếc xe được sản xuất. Tuy nhiên, đây cũng chính là điểm mấu chốt mà Việt Nam chưa thể làm được trong hàng chục năm vừa qua với hàng loạt chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Mặt khác, với những cơ chế chính sách hiện có, thậm chí là ngay ở trong các dự thảo về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho ô tô vừa được Bộ Công thương đưa ra lấy ý kiến trong thời gian gần đây đã khiến cho các hãng FDI như Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam ... không ít lần bộc lộ ý định sẽ ngừng lắp ráp xe tại Việt Nam, thay vào đó là chuyển sang nhập khẩu để hưởng các ưu đãi thuế từ ATIGA. Đáng chú ý, đây đều là những cái tên thống trị thị phần xe lắp ráp trong nước và là các yếu tố chủ chốt có thể gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Nhận định về thực trạng này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Mạnh Quân cho rằng, với các Hiệp định như TPP, ATIGA ... việc giảm thuế nhập khẩu đối với ô tô chỉ còn là vấn đề thời gian, tuy nhiên với tỷ lệ nội địa hóa thấp như hiện nay, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ cho các nước xuất khẩu hơn là phát triển được lĩnh vực sản xuất và lắp ráp xe trong nước.
Trong khi các hãng xe trong nước không mấy mặn mà với việc sản xuất xe nội địa, đơn vị FDI tính tới từ bỏ lắp ráp, thì mức giá dành cho dòng xe này khó có thể có mức bình dân trong những năm tới đây. Theo đó xu hướng chung của thị trường xe sẽ nghiêng mạnh về xe nhập khẩu nhằm đón đầu ATIGA trước khi tính tới các tác động của TPP.
Lộ trình giảm thuế nhập khẩu của TPP sẽ khó tác động tới giá xe trong thời gian ngắn
|
Xe sản xuất trong nước gần như "miễn nhiễm" với TPP
|