Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trách nhiệm thẩm định công nghệ phải rõ trong Luật

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) đã được trình ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua.

Tuy nhiên, nhiều quy định được nhận xét vẫn chung chung, đặc biệt trong thẩm định, chưa thể lấp đầy những khe hở trong chuyển giao công nghệ hiện nay.
Vẫn chưa rõ quy trình thẩm định
Dự Luật này được đánh giá đã có một số quy định tiến bộ về thẩm định công nghệ, hạn chế chuyển giao và công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nhưng lại chưa rõ quy trình thẩm định; kết quả thẩm định, quy trình công nghệ vẫn còn mang tính chất lý thuyết, đánh giá dựa vào hồ sơ mô tả công nghệ. Thời gian qua, một số dự án đầu tư đã được thẩm định công nghệ, tuy nhiên chất lượng thẩm định không cao, thành viên hội đồng không đánh giá được mức độ hiện đại của công nghệ, dẫn đến nhiều dự án gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong Nhân dân hoặc nhiều dự án hoạt động không hiệu quả gây lãng phí.
Đưa ra thực tế để có được chủ trương đầu tư, không ít các nhà đầu tư có hiện tượng thổi phồng công nghệ, ĐB Lê Minh Thông (đoàn Thanh Hóa) phản ánh: Chính những lỗ hổng của pháp luật về quản lý công nghệ này nên thực tế đã phát sinh những thảm họa về môi trường mà hiện nay chúng ta đang phải gánh chịu và nỗ lực khắc phục.
 Từ đó, theo ĐB Lê Quang Trí (đoàn Tiền Giang) và một số ĐB, cần bổ sung quy định cụ thể, trách nhiệm thẩm quyền của các cơ quan kiểm soát công nghệ, đặc biệt trách nhiệm của các cơ quan thẩm định công nghệ khi có sự cố  xảy ra. “Đây là quy định rất quan trọng cần được bổ sung để làm cơ sở pháp lý cho hoạt động thẩm định đạt kết quả tốt. Bên cạnh đó, cần quy định trong luật về thời gian giám sát vận hành công nghệ, nhất là dự án công nghệ khả năng gây tác động tới môi trường” - các ĐB nhấn mạnh.
Tránh để lọt công nghệ lạc hậu vào Việt Nam
Qua quá trình thảo luận, các ĐB cũng chỉ ra một thực tế, trong các dự án đầu tư có thể bao gồm nhiều công nghệ thuộc nhiều ngành, lĩnh vực trong một dự án. Nhưng Dự Luật này chỉ quy định việc tổ chức thẩm định công nghệ đối với các dự án đầu tư sử dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao và Luật Đầu tư năm 2014 thì vẫn chưa thể khắc phục được những lỗ hổng trong công tác quản lý công nghệ.
ĐB Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) đề nghị cần làm rõ năng lực đánh giá thẩm định công nghệ của các cơ quan, tổ chức chuyên môn có thẩm quyền và chuyên nghiệp, năng lực đánh giá thẩm định của các loại công nghệ du nhập vào nước ta từ nhiều nguồn, chủ yếu là từ các dự án FDI và DN tự mua có vai trò vô cùng quan trọng. ĐB Nguyễn Quốc Bình lý giải, thực tế 10 năm qua cho thấy vì kém về năng lực nên đã để lọt nhiều công nghệ lạc hậu vào nước ta gây hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường, an ninh xã hội như các dự án sản xuất thép, bôxít, xi măng, nhiệt điện...
Trao đổi thêm về quy định thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết: Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006 mới dừng ở đối tượng điều chỉnh là các giao kết khi thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ, vì thế không quản lý được các công nghệ trong các dự án đầu tư và nhiều hoạt động khác đã được điều chỉnh bởi các luật khác. Với tinh thần kiểm soát được công nghệ trong các dự án, Bộ KH&CN sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan như Bộ KH&ĐT thông qua Bộ TN&MT để xử lý bảo đảm nhất quán trong quy định của các luật. “Cần thiết phải thẩm định công nghệ nhưng không thể thẩm định tất cả bởi điều này không khả thi và đi ngược với chủ trương cải cách hành chính hiện nay. Vì vậy, Dự Luật đặt vấn đề thẩm định với những khu vực đặc biệt thuộc danh mục cấm và danh mục có nguy cơ xấu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường” - Bộ trưởng chia sẻ. Đồng thời cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự Luật đáp ứng tinh thần chung là tạo môi trường pháp lý thuận lợi để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, thương mại hóa công nghệ…