Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh Vĩnh Long – Nguyễn Ngọc Xuân thì trong văn bản gửi Bộ GTVT, Hiệp hội đưa ra 3 phương án xử lý tại trạm thu phí T2 nhằm giải quyết triệt để những bất cập đang tồn tại ở trạm thu phí này.
Phương án đầu tiên được đưa ra là thu phí theo tỷ lệ cự ly tham gia: 1/40 theo mức phí Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã quy định về trạm thu phí không dừng.Nói một cách cụ thể hơn, phương án này được thực hiện theo nguyên tắc xe đi đoạn đường bao nhiêu km thì chỉ trả tiền phí bấy nhiêu.
Nghĩa là, nếu xem toàn tuyến QL91 có 40km, thì xe đi từ An Giang đến ngã ba Lộ Tẻ rồi qua QL80, cầu Vàm Cống chỉ mất khoảng vài trăm mét, được tính là 1km. Theo đó, mức phí phải trả khi qua trạm T2 trên mỗi chuyến chỉ là 1/40km trên mỗi chuyến tùy loại xe.
Phương án thứ hai là dành hẳn 2 làn phương tiện đi và về Long Xuyên - Kiên Giang được miễn phí hoàn toàn. Theo đó, các xe đi từ An Giang - ngã ba Lộ Tẻ - QL80 - cầu Vàm Cống và ngược lại sẽ không phải trả phí khi qua trạm T2.
Đặc biệt, Hiệp hội Vận tải tỉnh Vĩnh Long đưa ra phương án thứ 3 là di dời trạm thu phí T2 đi chỗ khác. Thời gian di dời phải được xác định cụ thể và đề án đặt lại trạm phù hợp. Lí do Hiệp hội đưa ra phương án này vì cho rằng trạm thu phí T2 đã đặt sai vị trí.
Trạm thu phí T2 đặt tại Km50+050 QL91 là trạm thu phí hoàn vốn cho Dự án BOT tuyến Quốc lộ 91 và 91B. Từ khi đưa vào khai thác, trạm thu phí này đã nhiều lần vấp phải phản ứng của người dân và tài xế vì cho rằng vị trí đặt trạm là bất hợp lý.
Gần đây nhất, sau khi cầu Vàm Cống được khánh thành và đi vào sử dụng, làn sóng phản ứng của người dân và tài xế đối với trạm thu phí T2 lại nổi lên. Nguyên nhân của sự phản đối này được cho là các phương tiện tại An Giang, nếu đi Kiên Giang hoặc TP Hồ Chí Minh (qua cầu Vàm Cống) thì phải qua trạm thu phí T2, trong khi đó các phương tiện này chỉ sử dụng khoảng 300m đường của chủ đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo QL91, nhưng lại phải trả phí cho toàn tuyến.