Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trận đấu ở thượng tầng VFF

Ban Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy hôm nay, các mạng xã hội xuất hiện lá thư kiến nghị của một số cựu cầu thủ của một đội bóng đã giải thể đề nghị Bộ VHTT&DL có hành động chấn chỉnh VFF nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung.

Thoạt nhìn sẽ thấy, các cựu cầu thủ rất trăn trở với đời sống bóng đá, nhưng nếu tìm hiểu kỹ cả một chiến dịch, người ta không quá khó để nhận thấy “gạch đá” từ cái gọi là “phản biện xã hội”.

Rất nhiều người ngạc nhiên khi lá đơn nêu ý kiến phản biện được đưa ra thời điểm hiện tại. Mùa giải chuẩn bị khép lại. Các đội tuyển đã và đang bước vào giai đoạn chuẩn bị cho các chiến dịch chinh phục đấu trường quốc tế. Trên bình diện chung, bức tranh bóng đá Việt Nam khá tĩnh với nhiều gam màu sáng. Thế nhưng, trong bối cảnh tưởng chừng không có gì để bàn, một số cựu cầu thủ đã lớn tuổi vốn đang sinh hoạt cùng đội bóng lão tướng của một nhân vật đầu chòm vốn có nhiều hiềm khích với VFF bất ngờ gửi tâm thư đến lãnh đạo ngành thể thao. Họ đưa ra các vấn đề không hề mới như: Lãnh đạo VFF bị tố cáo nhận hối lộ (cơ quan điều tra đã kết luận không có hành vi), một ông chủ nhiều đội bóng, bóng đá Việt Nam đang xuống dốc với nhiều sự cố trên sân cỏ.

Những vấn đề được đề cập trong đơn kiến nghị vốn đã được nhắc đến quá nhiều lần. Đáng nói, cơ quan điều tra cũng như cơ quan quản lý ngành đã có kết luận về từng sự việc. Và quan trọng hơn, những sự cố trên sân cỏ là không thể tránh khỏi và mùa giải nào cũng vậy. Thậm chí, nếu so sánh với nhiệm kỳ trước thì nửa nhiệm kỳ này đã làm được rất nhiều việc dù thường xuyên đối diện với sóng gió... Nói tóm lại, dù bóng đá Việt Nam đang dần thoát khỏi đáy khủng hoảng vốn xuất hiện từ nhiệm kỳ trước nhưng vẫn có rất nhiều chỉ trích nhắm vào VFF. Thậm chí, người ta thay vì nhìn vào điểm tích cực đã hướng đến những sự việc cũ với mục đích cuối cùng là buộc cơ quan quản lý Nhà nước phải thay đổi ban lãnh đạo hiện tại của VFF.

Kể từ khi Chủ tịch Lê Hùng Dũng phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo thì ngôi nhà VFF bình yên. Thông tin từ tổ chức này liên tục bị tuồn ra ngoài với dụng ý rất riêng. Thậm chí, có thành viên của VFF còn công khai đăng đàn đưa ra những bình luận về tổ chức của mình. Và những chuyển dịch về thông tin thời gian gần đây cho thấy, tổ chức này sẽ còn tiếp tục phải đối diện với sóng gió.

Ai cũng biết, Chủ tịch Lê Hùng Dũng đang gặp vấn đề về sức khỏe. Ông muốn rút lui và thậm chí đã sẵn sàng gửi đơn từ nhiệm. Nhưng đến thời điểm hiện tại, ông Dũng vẫn chưa thể toại nguyện vì chưa chọn được người kế nhiệm. Người được cho là sáng giá nhất thế chân ông Dũng là Phó Chủ tịch Thường trực Trần Quốc Tuấn luôn phải đối diện với áp lực từ các đối thủ. Bản thân ông này cũng không muốn ngồi vào ghế nóng vì hiểu mình cũng phải đối diện với điều gì sau này.

Theo thông tin có được, hiện tại có hàng loạt ứng viên trong và ngoài ngành thể thao đang muốn ngồi ở ngôi cao tại VFF. Nhưng cũng chính điều này mang đến áp lực cho tổ chức và những người được cho là ứng viên ngồi ghế Chủ tịch. Rất nhiều chiêu thức đã được người ta tung ra và loại trừ khả năng, chiến dịch phản biện hiện nay là một trong những cách để người ta sớm thực hiện tham vọng chuyển giao quyền lực ở ngôi nhà VFF.