Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Trần lãi suất 14% là giải pháp tạm thời"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đại diện Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước cho biết việc đặt trần huy động thực chất là giải pháp tình thế của cơ quan quản lý khi thị trường biến động và có thể gỡ bỏ khi mặt bằng lãi suất ổn định trở lại.

Mâu thuẫn giữa công cụ tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát đồng thời đặt ra trần huy động trở thành một trong những câu chuyện đáng chú ý nhất tại Hội thảo về Phối hợp chính sách tiền tệ với các công cụ khác trong điều kiện kinh tế biến động, do Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Học viện Ngân hàng tổ chức sáng 18/11.

Vấn đề được xới xáo khi Tiến sĩ Tô Kim Ngọc - Phó giám đốc Học viện Ngân hàng cho rằng trước khi đặt vấn đề phối hợp với công cụ khác, bản thân chính sách tiền tệ cần giải quyết ngay những mâu thuẫn của bản thân nó. Ví dụ được chuyên gia này đưa ra chính là câu chuyện điều hành lãi suất hiện nay tại Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Ngọc, một trong những bất cập của kinh tế Việt Nam hiện nay là thâm hụt giữa tiết kiệm và đầu tư lớn. Do chênh lệch này, lãi suất - mà bản chất là giá của đồng vốn đầu tư thường ở mức cao. Điều này càng có cơ hội bộc lộ khi chính sách tiền tệ phải thắt chặt, cung tiền ra nền kinh tế bị hạn chế để phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát hiện nay.

“Chỉ cần tiền tệ thắt chặt một chút thì lãi suất sẽ lên. Đây là điều đương nhiên. Vậy tại sao lại phải đặt trần lãi suất huy động? Điều này liệu có mâu thuẫn không?”, Tiến sĩ Ngọc đặt câu hỏi.

Lý giải về vấn đề này, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) - Nguyễn Thị Hồng cho biết trần lãi suất được đặt ra do yêu cầu giám sát và hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng, gây mất an toàn hệ thống. “Hiện công cụ lãi suất chủ yếu được các nhà băng sử dụng chủ yếu để cạnh tranh vốn huy động. Do vậy, trong điều kiện thị trường bất ổn, nếu không quy định trần sẽ rất dễ dẫn tới chạy đua, gây mất an toàn hệ thống”, bà Hồng lý giải.

Cũng theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước, đặt ra mức trần 14% chỉ là giải pháp tạm thời. Khi thị trường tài chính và mặt bằng lãi suất ổn định, cơ quan quản lý có thể xem xét gỡ bỏ. “Tôi tin rằng sau những động thái quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước trong xử lý các đơn vị vượt trần gần đây, một cuộc đua lãi suất sẽ không tái diễn. Bản thân người gửi tiền cũng sẽ có ý thức hơn trong việc lựa chọn ngân hàng gửi tiền”, bà Hồng nhận định.

Một vấn đề khác cũng được các chuyên gia quan tâm tại Hội thảo là khả năng phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm giải quyết các nhu cầu về ổn định cũng như tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Theo ông Tomoyuki Kimura, Trưởng đại diện ADB tại Việt Nam, sự phối hợp này là hết sức quan trọng nhằm giúp Việt Nam triển khai những giải pháp mang tính thị trường nhiều hơn, phục vụ các mục tiêu dài hạn sau các giải pháp hành chính mang tính tạm thời gần đây.

Theo phân tích Tiến sĩ Tô Ngọc Hưng - Giám đốc Học viện Ngân hàng, trong giai đoạn từ 2008 đến nay, do những biến động bất ngờ của tình hình trong nước và quốc tế, mục tiêu điều hành kinh tế của Việt Nam liên tục bị thay đổi: Từ kiểm soát lạm phát (2008) sang chống suy giảm (2009), đảm bảo tăng trưởng (2010) rồi lại ưu tiên ổn định (2011).

Trong bối cảnh đó, chính sách tiền tệ luôn được sử dụng làm công cụ chủ yếu (và có thời kỳ được sử dụng quá độ) trong khi tài khóa lại chưa được chú trọng, phối hợp nhịp nhàng. “Một ví dụ là tăng trưởng tín dụng và cung tiền 2011 chỉ là 12% và 12,5%, giảm mạnh so với mục tiêu 20% và 16%. Nhưng thâm hụt ngân sách chỉ giảm từ 5,3% mục tiêu xuống 4,9%”, Tiến sĩ Hưng dẫn chứng.

Theo đề xuất của chuyên gia này, để tăng cường khả năng phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, Việt Nam cần hạn chế sự đảo chiều liên tục trong mục tiêu điều hành, trong đó có tính đến độ trễ của chính sách để xác định thời điểm, liều lượng và mức độ tác động hợp lý. Bên cạnh đó, cần tính đến cả các giải pháp dự phòng.