70 năm giải phóng Thủ đô

Trăng tròn ở những nơi “khuyết”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Gốc rễ của những chương trình mang tên "Vầng trăng" ấy là tấm lòng, là trái tim nhân hậu, nhường cơm sẻ áo… Bao mùa Trung thu đã qua, và năm nay cũng vậy, ngày càng nhiều vầng trăng được "thắp" lên từ sớm, ở những góc con trẻ thiếu thốn áo cơm, sách bút, thiệt thòi tình thương gia đình, vật vã trong những cơn đau bệnh…

Trung thu đến sớm

Sớm nhất có lẽ là "Vầng trăng cổ tích", thắp lên trong Nhà hát Lớn Hà Nội từ đêm 23/9. Vẫn tự nguyện làm "sứ mệnh" kết nối trái tim để "đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em" như 4 năm đã qua, nên thông qua chương trình này, 30 trẻ bệnh tim bẩm sinh đã được hỗ trợ kinh phí phẫu thuật (50 triệu đồng/trẻ); 5 nhà tình thương sẽ được xây cho trẻ em nghèo và thân nhân liệt sỹ; 140 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 5 - 10 triệu đồng) được gửi tới trẻ bị bệnh hiểm nghèo và nạn nhân chất độc da cam. Rồi 100 suất học bổng và đồ dùng học tập, 1.000 suất quà Trung thu cũng được trao vào tay trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của 12 tỉnh, thành trong cả nước… "Vầng trăng cho em" thắp sáng trong Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội tối 27/9 giản dị một hy vọng góp phần làm cho đêm trăng Rằm của trẻ nghèo Hà Nội đẹp hơn và ấm áp tình yêu thương. Và 250 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của 5 huyện nghèo Hà Nội đã có mặt và vui trong ánh sáng trăng Rằm này. Vậy là sau 4 năm triển khai tại ngoại thành, chương trình đã trao gần 2.000 phần quà có giá trị, bù đắp phần nào những thiếu thốn vật chất cho trẻ nghèo tại các huyện Sóc Sơn, Thạch Thất, Phú Xuyên, Mê Linh và Ứng Hòa.

Trăng tròn ở những nơi “khuyết” - Ảnh 1

Một tiết mục biểu diễn trong chương trình Vầng trăng cổ tích.

Cũng ngay từ tối 27/9, vầng trăng yêu thương đã từ đất liền ra tận huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) để sẻ chia niềm vui với 300 thiếu nhi là con em của người dân, cán bộ, chiến sĩ nơi này. Ở đó, trẻ được nghe thư chúc Tết Trung thu của Chủ tịch nước, được xem biểu diễn nghệ thuật, được nhận quà, được phá cỗ trông trăng… Khoảng cách đất liền và hải đảo như ngắn lại, gần gũi và thân thương. Tối nay (29/9), vầng trăng ấy sẽ thắp sáng chương trình "Trung thu kết nối yêu thương hướng về trẻ em đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi". Không chỉ là hơn 500 suất học bổng, 758 phần quà, không chỉ là sự sẻ chia, mà ở đây, người ta thấy cả trách nhiệm của người dân và trẻ em ở đất liền đối với người dân, trẻ em vùng biển đảo. Bởi, chương trình dành ra 1,5 tỷ đồng để xây dựng nhà bán trú cho học sinh trên đảo.

Ở Hà Giang, địa phương có số huyện nghèo lớn nhất cả nước, ngoài việc trích Quỹ Bảo trợ xã hội, tỉnh còn kêu gọi hỗ trợ của các tổ chức hảo tâm trong và ngoài tỉnh, cũng như vận động người dân cùng đóng góp để tổ chức Trung thu cho trẻ nghèo. Chương trình "Thắp sáng ước mơ tháng 8 cho trẻ em vùng sâu" của Ban Từ thiện xã hội T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam do ni sư Thích Nhật Huệ Từ khởi xướng cũng đã mang đến Tết Trung thu ấm áp và đầy ý nghĩa cho 5.500 trẻ em các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Tiền Giang, Bình Thuận, Bình Phước và Lâm Đồng… Cả xã hội đang chung tay vui Tết cùng trẻ nhỏ. Niềm vui thấy rõ

Có lẽ, niềm vui đón Trung thu ở những góc đời kém may mắn, hiện diện rõ nhất ở nơi mà tưởng như chỉ có thuốc, hóa chất và màu áo blue trắng. Xúc động lắm, khi những đứa trẻ vật vã trong nỗi đau bệnh tật hiểm nghèo nở nụ cười và lóe sáng niềm hy vọng…

Ây là ở Bệnh viện K nằm trên con đường nhỏ làng Tam Hiệp, ở Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư… nơi tập trung nhiều những em nhỏ phải điều trị bệnh xa nhà. Đích thân Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến trao tận tay các em những món quà nho nhỏ. Mẹ của đứa con mới 2 tuổi đã mắc bệnh ung thư mắt, mãi mới nói nên lời: "Năm ngoái tôi còn cho cháu đi chơi Trung thu, năm nay vào đây, không còn tâm trí nào để mua quà cho con nữa. Nhận được quà của Bộ trưởng dịp này, tôi thực sự thấy ấm lòng vì bên cạnh mình còn có sự sẻ chia ấm tình người".

Nhưng niềm vui lớn nhất vẫn là các bé. Có chứng kiến những nụ cười hiếm hoi, những ánh mắt tròn xoe nhìn không chớp mắt, mới hiểu cái giá trị của sự sẻ chia trong ngày Trung thu thế nào. Nụ cười ấy đã rạng rỡ trên gương mặt bé Phạm Hoài Linh, 4 tuổi, da xanh rớt vì luôn cần tiếp máu; bé Lê Văn Đức, 8 tuổi, bị bệnh bạch cầu cấp, thể tủy; bé Nguyễn Quỳnh Na, mới 5 tuổi đã trải qua 2 đợt truyền hóa chất. Nụ cười ngời lên cùng hy vọng bởi Chi hội Thanh niên Vận động Hiến máu 5/12 (thuộc Hội Thanh niên Vận động hiến máu Hà Nội) đã mang "Lễ hội Trăng hồng - Soi sáng nụ cười em" với thông điệp hiến máu - cứu bệnh nhi tới đây để hỗ trợ trẻ em.

Vầng trăng mùa Trung thu năm nay đã được thắp lên từ sớm, và đã lan tỏa đến những thân phận, những ngóc ngách xa xôi của cuộc sống. Trăng đã đến với trẻ nghèo trong đất liền và cả trẻ nơi hải đảo, trăng đã đến với những mảnh đời thiếu thốn áo cơm và cả những mảnh đời đang vật vã trong bạo bệnh… Trăng đã tròn ở những nơi “khuyết”!q

Hòa cùng không khí vui Tết Trung thu truyền thống, tối 28/9, một đêm hội đặc biệt với chủ đề "Vầng trăng yêu thương" đã được UBND TP Hà Nội tổ chức tại Sân vận động huyện Đông Anh. Hơn 1.000 thiếu nhi vượt khó học giỏi đến từ 29 quận, huyện và những thiếu nhi kém may mắn đến từ 23 trường, làng, trung tâm bảo trợ xã trên địa bàn đã được nhận những phần quà nhiều ý nghĩa với tinh thần "sẻ chia yêu thương, nhân niềm hạnh phúc".