Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trẻ bị tự kỷ: Chưa được can thiệp sớm

Chia sẻ Zalo

KT ĐT - Số lượng trẻ tự kỷ ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Song trẻ được phát hiện và chẩn đoán khá muộn, phần đông đã quá 2 tuổi. Cảnh báo này được Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Nguyễn Thị Hoàng Yến đưa ra tại hội thảo "Chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ: Thực trạng và triển vọng" diễn ra ngày 12 và 13/3 tại Hà Nội.

Số trẻ tự kỷ tăng 50 lần

Nghiên cứu mô hình tàn tật ở trẻ em của khoa Phục hồi chức năng, BV Nhi T.Ư cho thấy, số trẻ được chẩn đoán và điều trị bệnh tự kỷ ngày càng đông. Năm 2007, số trẻ tự kỷ đến khám tăng 50 lần so với năm 2000, số đến điều trị cũng tăng 33 lần. Tại BV Nhi đồng I (TP Hồ Chí Minh), số trẻ tự kỷ đến điều trị tăng gấp 85 lần chỉ trong 4 năm. Cụ thể, năm 2000, BV chỉ điều trị cho 2 trẻ tự kỷ, năm 2004 đã là 170 trẻ tự kỷ và đến năm 2008 số trẻ tự kỷ đã lên tới con số 324.

Trẻ bị tự kỷ: Chưa được can thiệp sớm - Ảnh 1

Tiết mục biểu diễn của trẻ tự kỷ trường chuyên biệt Ánh Sao. Ảnh:  TRÚC THỦY

Trẻ tự kỷ nếu được phát hiện sớm có nhiều cơ hội hòa nhập xã hội, nhưng việc phát hiện trẻ tự kỷ ở giai đoạn phát triển sớm (tuổi nhà trẻ) còn thấp. Phần lớn các BS nhi khoa Việt Nam chưa hiểu rõ về tự kỷ và không có kỹ năng chẩn đoán sớm, khiến nhiều trẻ tự kỷ được phát hiện sau 36 tháng tuổi. Tại BV Nhi T.Ư, tỷ lệ trẻ tự kỷ đến khám và được chẩn đoán tự kỷ muộn lên tới 43,86%.

Thực tế, việc đánh giá phát triển để lập kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ tự kỷ ở Việt Nam còn rất nhiều bất cập. Các hình thức, phương pháp và công cụ đánh giá phát triển cho trẻ tự kỷ còn thô sơ và không thống nhất giữa các địa phương và cơ sở thực hiện. Bản thân giáo viên và người chăm sóc trẻ tự kỷ chưa được trang bị đầy đủ về phương pháp trị liệu và thực hành giáo dục. Vì thế, hình thức chăm sóc giáo dục trẻ tự kỷ chủ yếu vẫn là chăm sóc y tế. Hà Nội đã xây dựng một số trường và trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỷ, song mới đáp ứng được một lượng nhỏ nhu cầu của các gia đình và cũng chỉ tập trung vào việc chăm sóc.

Cần can thiệp sớm

Các chuyên gia nghiên cứu về tự kỷ cho biết, dấu hiệu của bệnh có từ rất sớm, thường là năm thứ hai của cuộc đời. Những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ được can thiệp sớm sẽ mang lại kết quả điều trị tốt nhất. Theo TS Lauren Elder, Tổ chức Tự kỷ lên tiếng (Autism Speaks), việc can thiệp cần nhắm tới nhiều khía cạnh phát triển khác nhau của đứa trẻ và phải thực hiện cấp tốc. Can thiệp có thể từ nhóm bao gồm các nhà giáo dục, người hỗ trợ chăm sóc trẻ, cha mẹ và các thành viên trong gia đình thực hiện, khoảng 20 - 25 giờ/tuần. 

"Một loạt các bảng kiểm chuẩn được xây dựng để sàng lọc sự chậm phát triển ở trẻ em có thể phát hiện trẻ có dấu hiệu sớm mắc chứng tự kỷ. Bộ sàng lọc dùng riêng cho bệnh tự kỷ được sử dụng rộng rãi nhất là bảng kiểm được điều chỉnh cho phù hợp với chứng tự kỷ ở trẻ đang tuổi chập chững (M-CHAT) hiện đã có sẵn phiên bản bằng tiếng Việt. Bảng này gồm 23 mục, có thể sử dụng được cho trẻ từ 16 đến 48 tháng tuổi"
 
TS Lauren Elder
Tổ chức Tự kỷ lên tiếng
GS Connie Kasari (ĐH California, Mỹ) chuyên nghiên cứu về phát triển con người chia sẻ bài học từ chăm sóc giáo dục trẻ tự kỷ hiệu quả nhất ở Mỹ chính là can thiệp hành vi. Can thiệp này sẽ mang tới cho trẻ các kỹ năng nhận thức cao hơn, cải thiện kỹ năng giao tiếp xã hội, giảm áp lực cho các gia đình. Bà Connie Kasari cho biết: "Cha mẹ là những người nhận thấy ngay được các biện pháp can thiệp hợp với đứa trẻ, để trẻ được hỗ trợ tốt hơn. Môi trường gia đình và trường học là nơi can thiệp hiệu quả nhất. Và, việc can thiệp cần tập trung vào tính linh hoạt, các quy tắc về cảm xúc, học thuật - đọc hiểu". GS Connie cũng lưu ý, việc hòa nhập của trẻ tự kỷ tùy thuộc vào sự tiến bộ của từng trẻ trong hoàn cảnh cụ thể, vì mỗi đứa trẻ có những khiếm khuyết khác nhau. Có những trẻ cần lớp học ít học sinh để được cô giáo quan tâm hơn, song có trẻ có thể học trong lớp đông và khi có sự hỗ trợ hợp lý, trẻ còn học giỏi hơn các bạn bình thường.

Điều quan trọng giúp đứa trẻ tự kỷ hòa nhập thành công là cha mẹ phải nắm được diễn biến hành vi, sự tiến bộ của con trong quá trình học. Do vậy, trong giáo dục hòa nhập, sự trao đổi giữa cha mẹ và giáo viên là không thể thiếu.