Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trẻ cần được giáo dục kỹ năng sống hàng ngày

Trung Anh (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, liên tục các vụ xâm hại tình dục, bạo hành trẻ được truyền thông đưa tin khiến phụ huynh lo lắng, xã hội bức xúc.

 Câu hỏi đặt ra là làm gì để bảo vệ trẻ? Giáo dục thế nào để trẻ có kỹ năng tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm hại? Chia sẻ vấn đề này, cô Ngô Thị Thanh – Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Từ Liêm cho biết, khá nhiều học sinh (HS) hiện chưa biết cách vệ sinh thân thể đúng cách, cũng như chưa có các kỹ năng tự bảo vệ mình trước những nguy cơ bị xâm hại. Bởi vậy, HS cần được giáo dục hàng ngày, hàng giờ, hướng dẫn HS biết phòng vệ bằng những hình thức đơn giản như: Nhìn thẳng vào mắt bạn tỏ thái độ của mình với bạn; Đến với những người lớn gần nhất để nhờ sự hỗ trợ. Nếu thường xuyên được hướng dẫn, nhắc nhở, các em sẽ có những phản ứng phòng vệ bản thân rất tốt...
 Ảnh minh họa
Theo cô Thanh: “Trước những nguy cơ bạo hành, xâm hại tình dục HS, nhà trường đặc biệt chú trọng đến giáo dục kỹ năng sống cho HS. Khâu đột phá của năm học này là giáo dục kỹ năng sống cho HS. Có nhiều kỹ năng nhưng kỹ năng rất cần là kỹ năng tự bảo vệ bản thân “bảo vệ thông minh”, vì thế nhà trường lồng ghép trong các tiết học đạo đức, tiết kỹ năng sống hoạt động tập thể, chương trình ngoại khóa... Ngoài ra, tổ chức truyền thông tại sân trường, mời bác sĩ của trung tâm dân số nói chuyện chuyên sâu với HS khối 4, 5, bởi đây là lứa tuổi đang ở giai đoạn phát triển về thể chất và thay đổi tâm lý. Đặc biệt, trường mời chuyên gia nói chuyện chuyên sâu về phòng chống xâm hại tình dục. Theo đó, các giáo viên của trường đã lồng ghép lại vào buổi học về kỹ năng phòng vệ.
Giáo dục kỹ năng phải hàng ngày, hàng giờ chứ không phải chỉ có 1, 2 giờ dạy kỹ năng sống. Vì thế, giáo viên trong sinh hoạt chuyên môn tìm ra phương pháp dạy trong toàn trường qua một số tài liệu như sống đẹp, nếp sống văn minh HS Thủ đô, quà tặng cuộc sống... Bên cạnh đó, ở các tiết sinh hoạt ngoại khóa, giáo viên có thể trao đổi cởi mở, trò chuyện tâm tình với các em, tổ chức cho các em xem các trang web giáo dục giới tính hoặc mời các chuyên viên tư vấn có kiến thức giới tính về nói chuyện, để các em bớt rụt rè hơn khi tìm hiểu kiến thức về giới tính, giúp các em mạnh dạn, cởi mở, tự tin hơn.
Đặc biệt, để bảo đảm an toàn cho trẻ, hệ thống camera của trường được lắp ở khu hành lang và những chỗ khuất, khó nhìn. Ngoài ra, yêu cầu tổ bảo vệ luôn có người quan sát camera, đặc biệt là những giờ đón con. Nếu không giám sát, ngoài cổng trường có thể bị dụ dỗ bắt đi. Phụ huynh muốn đón con sớm, bảo vệ sẽ phát giấy yêu cầu có chữ ký của giáo viên mới được đón con... Phải nhìn ra các tình huống chứ không để xảy ra tình huống mới khắc phục”.