UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 59/KH-UBND về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019), yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, tổ chức tốt các hoạt động tri ân, chăm sóc các gia đình thương binh - liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Mọi hoạt động đều nhằm tiếp tục nâng cao đời sống tinh thần và vật chất các đối tượng chính sách cùng gia đình, trong đó có việc hỗ trợ các gia đình có công về nhà ở.
Từ nhiều năm qua, các địa phương, trong đó có Hà Nội đã thực hiện tốt việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Chính sách này được triển khai trên phạm vi cả nước đã góp phần nâng cao mức sống cho người có công và thân nhân, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Với những hiệu quả đã được khẳng định, tại Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 27/6/2019, Chính phủ quyết định tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người có công về nhà ở đến hết năm 2019.
Đây có thể nói là một quyết định mang tính nhân văn, có tác dụng thiết thực. Bởi như chúng ta đã biết, với điều kiện kinh tế còn khó khăn, đa phần nhà ở người có công, dù đã được hỗ trợ cũng chỉ mới ở mức độ vừa phải, nhiều khi ở mức tối thiểu bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt. Trong điều kiện khí hậu, thời tiết nắng lắm mưa nhiều, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu như hiện nay, nhu cầu sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới nhà ở chắc chắn, kiên cố là cấp thiết với mọi người dân, trong đó có các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
Từ năm 2013 đến nay, các cấp, ngành và tổ chức, cá nhân đã chung tay huy động được hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 200.000 gia đình người có công có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở. Trong quá trình triển khai, nhiều địa phương có những cách làm hay, sáng tạo, bảo đảm 100% gia đình người có công muốn cải thiện nhà ở đều được hỗ trợ, mà Hà Nội là một điển hình.
Thực hiện Quyết định số 22/2013/ QĐ-TTg, trong các năm 2013 - 2017, cùng với việc chủ động ứng trước ngân sách, TP đã huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ toàn bộ gia đình người có công còn khó khăn về nhà ở, mức hỗ trợ tối thiểu 70 triệu đồng với hộ xây mới, 30 triệu đồng với hộ sửa chữa (cao hơn so với quy định chung là 40 triệu đồng cho hộ xây mới và 20 triệu đồng cho hộ sửa chữa). Bằng cách chủ động, tích cực nêu trên, đến năm 2017, Hà Nội đã cơ bản không còn gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở.
Mặc dù vậy, TP vẫn duy trì việc thực hiện chính sách này. Tại Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 7/3/2019 về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã sử dụng nguồn ngân sách địa phương và xã hội hóa hỗ trợ 262 gia đình người có công có nhu cầu sửa chữa, xây dựng mới nhà ở. Đến đầu tháng 7/2019, các địa phương đã cơ bản hoàn thành, nhiều nơi thực hiện vượt kế hoạch.
Ông cha ta thường nói “có an cư mới lạc nghiệp”. Với ý nghĩa đó, tiếp tục hỗ trợ người có công về nhà ở một cách thường xuyên, liên tục là hành động thiết thực để tri ân, góp phần động viên các gia đình chính sách vượt lên khó khăn, từng bước nâng cao mức sống.
Làm tốt công việc nghĩa tình nói trên cũng là góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu mà Chỉ thị số 14 của Ban Bí thư T.Ư Đảng khóa XII, ngày 19/7/2017, về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng đã đề ra: "Phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú".
L.Q