Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đề phòng tối và đêm nay, lũ các sông từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận có khả năng lên lại và ở mức cao.

KTĐT - Đề phòng tối và đêm nay, lũ các sông từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận có khả năng lên lại và ở mức cao. Cần tiếp tục đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu ở vùng trũng, đồng bằng hạ lưu các sông ở tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận.

Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương - Uỷ ban Quốc gia TKCN đề nghị Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, TP từ Phú Yên đến Ninh Thuận triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động.  

Theo Trung tâm DBKTTV Trung ương, do kết hợp của không khí lạnh với nhiễu động trong đới gió đông trên cao, ngày và đêm qua (30/10), ở các tỉnh từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận đã có mưa to đến rất to.

Tính đến 7 giờ ngày 31/10, lượng mưa đo được phổ biến từ 150 - 200mm; một số nơi mưa trên 250mm, tại Nha Trang: 495mm, Cam Ranh: 333mm, Ninh Hòa:257mm, Tân Mỹ: 304mm, Phan Rang: 278mm. Do mưa to, trên các sông từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận đã xuất hiện một đợt lũ lớn.

Mực nước lúc 9 giờ ngày 31/10 trên các sông như sau:  sông Dinh tại Ninh Hòa: 5,56m, trên BĐ3: 0,06m; sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng: 10,80m, dưới BĐ3: 0,20m; sông Cái Phan Rang tại Tân Mỹ: 38,93m, trên BĐ3: 0,93m; tại Phan Rang: 4,76m, trên BĐ3: 0,26m.

Dự báo, lũ các sông ở tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận tiếp xuống, riêng hạ lưu sông Cái Phan Rang lên chậm và trưa nay sẽ đạt đỉnh là 4,8m, trên BĐ3: 0,3m.

Đề phòng tối và đêm nay, lũ các sông từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận có khả năng lên lại và ở mức cao. Cần tiếp tục đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu ở vùng trũng, đồng bằng hạ lưu các sông ở tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận.

Để chủ động đối phó với mưa, lũ, 22 giờ đêm 30/10, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương - Uỷ ban Quốc gia TKCN đã có Công điện đề nghị Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành phố từ Phú Yên đến Ninh Thuận.

1/ Triển khai chỉ đạo phương án chống lũ theo cấp báo động.

2/ Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kiểm tra, rà soát các khu dân cư đang sống ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thường xuyên bị lũ chia cắt để chủ động sơ tán dân; chuẩn bị dự trữ lương thực, nước uống và như yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa, lũ lớn xảy ra.

3/ Kiểm tra các hồ chứa nước trên địa bàn, phát hiện và xử lý kịp thời những sự cố để đảm bảo an toàn công trình; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng đối phó với những tình xấu có thể xảy ra;

4/ Bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại những khu vực đường bị ngập, các bến đò, đường ngầm; hướng dẫn người, phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn. Nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ.

5/  Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

6/ Tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương - Uỷ ban Quốc gia TKCN./.