Kinhtedothi - Những kinh nghiệm làm đẹp không gian sống đô thị được diễn giả Hàn Quốc chia sẻ trong hội thảo “Đưa nghệ thuật vào không gian sống” diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội đã gợi mở những hướng đi mới trong việc phát triển nghệ thuật cộng đồng tại Việt Nam, làm sáng thêm ý tưởng đưa nghệ thuật cộng đồng vào không gian sống đang nhen nhóm ở các đô thị lớn.
Nhìn từ Hàn Quốc
Mỹ thuật cộng đồng đã được áp dụng ở nhiều TP trên thế giới, tạo ra những hiệu quả tích cực trong việc cải thiện không gian công cộng. Có thể kể tới bến tàu điện ngầm được trang hoàng như cung điện ở Matxcơva, Cung điện mùa Đông và những đài phun nước Xanh Pêtécbua, công trình kiến trúc gắn gốm của Antonio Gaudi Barcelona hay những dấu ấn nghệ thuật mới ở Paris hoa lệ…
Tại Hàn Quốc, việc cải thiện không gian công cộng đã được áp dụng tại nhiều nơi, điển hình là cuộc vận động “Phục dựng khu phố” ở TP Suwon, “Phố Dongpirang” ở TP ven biển Tongyeong. TS Cho Kwan-young - Tổng Biên tập Tạp chí Đàm luận mỹ thuật đã đưa ra những minh chứng sinh động cho việc cải thiện không gian công cộng từ dự án mỹ thuật tại Làng tranh đá Jeongseon ở Gangwon do ông làm giám đốc năm 2013.
Dự án biến làng tranh đá trở thành địa điểm của văn hóa mỹ thuật phản ánh đặc trưng vùng. Tại đây, tường làng được phủ lại bằng những bức vẽ mang âm hưởng dân gian, nhà thờ cũ biến thành bảo tàng lịch sử. Mái nhà, trạm biến thế, trạm xe buýt… đều được khoác thêm chức năng làm đẹp không gian công cộng. Ông Kwon Hyouk Do - Ban Xúc tiến xây dựng cộng đồng, Tòa thị chính TP Suwon cũng đưa ra những ví dụ sinh động cho việc dùng nghệ thuật biến đổi không gian sống tại Suwon. Đó là tận dụng khu vực bỏ rác thành những khu vườn của TP và vườn thực vật của khu phố; cải thiện môi trường đường ngõ thông qua dự án “con đường xinh đẹp tới công viên”; hay tận dụng những ngôi nhà cũ, nhà để hoang trong khu vực để tái thiết thành những không gian công cộng…
GS.TS Kim Kwi-gon - Chủ tịch Trung tâm đào tạo đô thị quốc tế (IUTC) cho biết, mỹ thuật cộng đồng tại Hàn Quốc được thực hiện ở nhiều nơi như: Nhà bỏ hoang, chợ cóc, văn phòng bất động sản, quán café, sàn chứng khoán, cánh đồng lúa, làng sinh thái, nhà thờ, bến xe buýt, ngân hàng, hiệu thuốc… với nhiều hình thức: Vẽ tranh, video, điêu khắc, nhiếp ảnh, âm nhạc, thơ ca, nghệ thuật sắp đặt, kiến trúc, văn học. Chính đây là nơi diễn ra các hoạt động trưng bày triển lãm, đối thoại giữa nghệ sĩ và người dân, trình diễn, quay phim và chia sẻ kinh nghiệm nghệ thuật để gắn kết khái niệm cộng đồng với cộng đồng.
Gợi mở cho Việt Nam
Ngoài khả năng làm đẹp không gian sống, thực tế mỹ thuật cộng đồng còn đem nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, nâng cao thẩm mỹ, gắn kết mọi người trong cộng đồng, phòng chống tệ nạn xã hội, thúc đẩy du lịch địa phương… Nhiều nước đã nỗ lực khuyến khích mỹ thuật cộng đồng bằng cách đưa ra những chính sách bằng văn bản như trích kinh phí xây dựng những tòa nhà mới cho nghệ thuật công cộng.
GS.TS Kim Kwi-gon cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện những dự án mỹ thuật cộng đồng, đưa nghệ thuật vào không gian sống như Hàn Quốc từng làm.
Điển hình như địa đạo Kỳ Anh (Tam Kỳ, Quảng Nam) – nơi ông nghiên cứu: “Ở đó còn có làng cói Thạch Tân, làng cá truyền thống. Đây là nơi có rất nhiều tiềm năng, cơ hội cho nghệ thuật cộng đồng. Ta có thể dùng nghệ thuật cộng đồng hỗ trợ các làng nghề truyền thống trong việc bảo tồn, thúc đẩy du lịch văn hóa sinh thái, bao gồm các dự án khôi phục làng thông qua áp dụng nghệ thuật cộng đồng ở cấp khu dân cư”. Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Jun Dae Joo nhìn nhận: Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Đô thị hóa không có ý nghĩa là chỉ dựng nên những tòa nhà mới bóng mượt và phá bỏ những ngôi nhà cũ. Những gì cần bảo tồn phải bảo tồn, và những tòa nhà, những ngôi làng được bảo tồn cần được trang trí đẹp hơn, cải tạo cho tiện lợi hơn để phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.
Có thể nói đưa nghệ thuật vào không gian sống để làm đẹp đô thị cũng như cải thiện cuộc sống của người dân là một hướng đi triển vọng của nghệ thuật đương đại. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các dự án nghệ thuật công cộng còn rất khiêm tốn: Con đường gốm sứ, kiến tạo sân chơi cho trẻ em trong các đô thị, đưa nghệ thuật cổ truyền vào khu Phố cổ...
Đúng như Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Trần Quốc Thái chia sẻ: Rất cần sự chung tay của các tổ chức, đoàn thể trong xã hội. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của giới chuyên môn về quy hoạch và nghệ thuật chắc chắn sẽ giúp cho không gian sống trong đô thị ngày càng tươi mới và giàu bản sắc.
Con đường gốm sứ ven sông Hồng. Ảnh: Diễn Đàm
|