Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển vọng mới cho mối quan hệ Việt Nam - Thái Lan

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan, ngày 26/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều hoạt động quan trọng như tiếp kiến các lãnh đạo cấp cao Quốc hội Thái Lan, các doanh nghiệp hàng đầu của nước này nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực lập pháp, đầu tư và thương mại giữa hai nước.

Sau Lễ đón với nghi lễ trang trọng nhất, tại trụ sở Quốc hội Thái Lan, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lần lượt hội kiến Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Somsak Kiatsuranont và Chủ tịch Thượng viện Thái Lan Nikom Wairatpanij.

Hai bên đã nhất trí thúc đẩy hợp tác quốc hội trong giám sát việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác, hiệp định giữa hai nước; tiếp tục trao đổi và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực trong khuôn khổ ASEAN, APEC, ASEM, AIPA cũng như Diễn đàn liên nghị viện quốc tế IPU.

 
Triển vọng mới cho mối quan hệ Việt Nam - Thái Lan - Ảnh 1
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến với Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Somsak Kiatsuranont. Ảnh: TTXVN

 Cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với một số lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu Thái Lan và đưa ra cam kết sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp Thái đầu tư, làm ăn tại Việt Nam. Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới thăm trường Đại học Thammasat - một trong những trường đại học nổi tiếng và lâu đời ở Thái Lan. Tại đây, Chủ tịch Trường Đại học Thammasat đã trao bằng Tiến sĩ danh dự ngành Chính trị học cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 Chiều 26/6, nhân chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam -Thái Lan. Theo đó, hai nhà lãnh đạo đã quyết định đưa quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược nhằm mở ra triển vọng mới cho mối quan hệ hợp tác gần gũi hơn vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.

 Hai nhà lãnh đạo cam kết làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa hai nước để xây dựng một Cộng đồng ASEAN thống nhất, gắn kết và vững mạnh và tăng cường các khuôn khổ của ASEAN như ASEAN+1, ASEAN+3; thúc đẩy tham vấn và hợp tác tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế như ACMECS, Tiểu vùng sông Mekong, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Liên Hợp quốc, WTO, APEC, ASEM… cùng nhau giữ gìn và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và phồn vinh ở khu vực và trên thế giới.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí về sự cần thiết phối hợp chặt chẽ trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông; tăng cường tin cậy và lòng tin lẫn nhau thông qua hợp tác hàng hải, thúc đẩy an ninh hàng hải bao gồm tự do hàng hải và quá cảnh; thực hiện kiềm chế không sử dụng vũ lực; giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và DOC, tiến tới sớm thông qua COC.