Tuy nhiên về dài hạn, chính tính nhất quán và minh bạch sẽ giúp họ xây dựng được hình ảnh, duy trì sự tin cậy của đối tác, khách hàng, cải thiện năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và môi trường kinh doanh.
Khó minh bạch nếu chỉ từ phía doanh nghiệp
Tại hội thảo "Minh bạch và nhất quán, tăng cường năng lực cạnh tranh cho DN" do Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức (17/1), nhiều DN nước ngoài cho rằng, ở Việt Nam, việc minh bạch trong kinh doanh chưa được đưa vào thể chế luật pháp.
Một biểu hiện rất rõ của điều này chính là việc thành lập và hoạt động của DN quá dễ dàng. Hiện Luật DN quy định thành lập DN phải có chứng minh thư nhân dân (CMT) hoặc hộ chiếu, nhưng thực tế 1 người tuy chỉ có 1 CMT vẫn thành lập được nhiều DN, hoặc ít nhất với 1 CMT hoặc 1 hộ chiếu là có thể thành lập 2 DN.
Sản xuất linh kiện xe máy tại Công ty TNHH TS Vietnam (Thái Lan) Khu công nghiệp Nội Bài - Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng
Ông Lê Giang, Giám đốc một công ty TNHH chuyên xuất nhập khẩu tại Hà Nội phản ánh: Lãi suất tiền vay được áp "trần", nhưng thực tế ngoài trần chính thức vẫn có tiền chi bên ngoài, khiến DN bị "đẩy" vào "thế" muốn minh bạch nhưng không được, phải lách luật để vay được tiền. Hoặc DN chỉ mất 1 - 2 ngày để tàu chở hàng từ nước ngoài về cảng, nhưng có khi mất tới 2 - 4 ngày để làm thủ tục tại cảng, gây thiệt hại hàng trăm ngàn USD cho các loại phí lưu cảng.
Từ những bất cập đó khiến nhiều DN có tâm lý chấp nhận chi "lót tay", bởi mỗi khi bị các cơ quan hành chính nhũng nhiễu, nếu dành thời gian để chờ cho vụ việc được giải quyết thì sẽ mất không ít cơ hội kinh doanh.
Cả xã hội phải cùng vào cuộc
Để minh bạch hóa môi trường kinh doanh tại Việt Nam, các ý kiến đề xuất đưa hệ thống kiểm soát nội bộ của DN vào thể chế pháp luật, tức là phải có luật quy định để công nhân và cán bộ trong DN quản lý lẫn nhau.
Ông Conrad F Zellmann, Phó Giám đốc, Tổ chức Hướng tới Minh bạch, Cơ quan đại diện đầu mối của TI tại Việt Nam cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là làm thế nào để giảm thiểu được những khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm thế nào để triệt tiêu hoặc giảm thiểu các chi phí "ngầm", không chính thức trong kinh doanh.Nhiều đại biểu đề xuất, các chính sách trước khi ban hành chính thức nên có sự đối thoại rộng rãi giữa nhà làm chính sách với DN, và khi DN có ý kiến thì những ý kiến này phải được chuyển tải tới cơ quan chức năng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) chia sẻ: Thực tế, chính sách cho DN nhiều lúc còn bất cập, nên nếu có sự tham gia của người dân và DN thì chính sách sẽ thiết thực hơn. Bộ Tư pháp đã thành lập Cục Kiểm soát văn bản, trong trường hợp nhận được thông tin DN bị gây phiền hà, nhũng nhiễu, cơ quan này sẽ lập tức kiểm tra. Điều đó cho thấy, để có chính sách tốt, môi trường kinh doanh minh bạch cho DN, rất cần phối hợp từ hai phía.
Ông Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: Việt Nam mới tập trung phòng chống tham nhũng trong khu vực công, và pháp luật mới quy định hành vi tham nhũng trong khu vực này. Nhưng khi khu vực công được tập trung kiểm soát, lại vô tình tạo cơ hội cho tham nhũng gia tăng ở những khu vực ngoài Nhà nước, dưới các hình thức hợp thức hóa tài sản tham nhũng, rửa tiền...
Thực tế DN cũng "khát khao" thực hiện minh bạch, nhưng để có được điều đó, phải chống được tham nhũng. Do đó, minh bạch hóa môi trường kinh doanh, thể chế chính sách là trách nhiệm chung của xã hội, cần sự đóng góp của cơ quan quản lý, nhà làm chính sách và cả DN, người dân... Đặc biệt, DN cần nêu cao trách nhiệm xã hội bằng việc thông báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về hành vi tham nhũng, thay vì "ỉm" đi vì sợ trách nhiệm.