Triều Tiên "0 Covid-19" từ chối nhận vaccine để nhường các nước có dịch?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (Unicef) tuần này cho biết, Triều Tiên đã yêu cầu chuyển gần 3 triệu liều vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất sang các nước khác "do nguồn cung toàn cầu đang hạn chế các loại vaccine covid-19 và tình hình dịch bệnh tái diễn ở một số quốc gia".

Nhân viên y tế xịt chất tẩy rửa tay cho người dân tại lối vào TP Phyongsong, tỉnh Phyongan, phía Nam Triều Tiên. Ảnh: AP

Theo thông báo của Unicef, Bộ Y tế Bắc Triều Tiên cho biết họ sẽ tiếp tục liên lạc với Cơ chế Covax - cơ sở phân phối quốc tế đã phân bổ các mũi tiêm - về việc cung cấp vaccine trong "những tháng tới".
Trước đó, Bình Nhưỡng được cho đã từ chối đề nghị tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca vì lo ngại về các tác dụng phụ hiếm gặp - SCMP dẫn lời một tổ chức tư vấn của Hàn Quốc có liên kết với cơ quan gián điệp của Seoul tiết lộ vào tháng 7.
Cùng tháng đó, Bộ Ngoại giao Nga cũng nói rằng Moscow đã nhiều lần đề nghị cung cấp vaccine sản xuất tại nước này cho Triều Tiên. Chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un đến nay vẫn chưa đưa ra bất kỳ dấu hiệu chấp thuận nào.
Triều Tiên đã phong tỏa hoàn toàn biên giới kể từ tháng 1/2020 và đến nay chưa báo cáo bất kỳ trường hợp nào nhiễm Covid-19 trên lãnh thổ mình.
Kee Park, một giảng viên tại Trường Y Harvard, người đã thực hiện nhiều chuyến đi nhân đạo tới Triều Tiên, cho biết ông tin rằng Bình Nhưỡng muốn gửi thông điệp rằng sự tự cô lập một cách tuyệt đối của họ đã giúp nước này được an toàn.
"Sự tin tưởng của họ vào các biện pháp y tế cộng đồng cho phép họ tiếp cận vaccine một cách bình tĩnh hơn, để xem những vấn đề có thể nảy sinh với những loại vaccine mới này khi chúng được tung ra thị trường", ông Park nói với SCMP.
Chuyên gia này cũng lưu ý việc Triều Tiên đã lên tiếng chống lại sự bất bình đẳng về vaccine tại Đại hội đồng Y tế Thế giới gần đây, và cho rằng việc từ chối nhận viện trợ vaccine khi "0 Covid-19" là phù hợp với quan điểm của Bình Nhưỡng về việc các nước nghèo có dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng nên được ưu tiên cung cấp vaccine.
Hãng thông tấn KCNA đưa tin, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un hôm 2/9 đã thúc giục các quan chức phát huy gấp đôi "bản lĩnh của chúng ta" trong việc kiểm soát đại dịch. Triều Tiên là quốc gia nêu cao tư tưởng tự lực cánh sinh - được gọi là "juche".

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un phát biểu trong cuộc họp của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên tại Bình Nhưỡng vào ngày 2/9. Ảnh: Reuters

Mặc dù vậy, Chủ tịch Kim gần đây đã thừa nhận thiệt hại kinh tế ngày càng tăng do sự tự cô lập của đất nước khỏi thế giới vì dịch bệnh. Trong các bài phát biểu trong những tháng qua, ông Kim mô tả đất nước đang trải qua một "cuộc khủng hoảng khó khăn" và tình hình lương thực "căng thẳng".

Thương mại của Triều Tiên với Trung Quốc, chiếm khoảng 90% tổng thương mại của nước này, đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong nửa đầu năm 2021 - theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc. Xuất khẩu của Trung Quốc sang nước láng giềng giảm hơn 85%, xuống 56,77 triệu USD, trong khi nhập khẩu giảm 67%, xuống 8,96 triệu USD.

Ngân hàng T.Ư Hàn Quốc ước tính vào tháng 7 rằng GDP của Bắc Triều Tiên đã giảm 4,5% vào năm 2020, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1997.

Tình trạng mất an ninh lương thực của Triều Tiên đã trở nên tồi tệ hơn do hạn hán và bão lũ, cũng như các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào các chương trình hạt nhân và tên lửa. Vào tháng 7 vừa qua, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc ước tính, miền Bắc có thể thiếu hụt 860.000 tấn lương thực trong năm 2021.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần