Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triều Tiên chính thức thống nhất múi giờ với Hàn Quốc

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hãng Thông tấn Nhà nước Triều Tiên (KCNA) cho biết, việc hợp nhất múi giờ của Triều Tiên với múi giờ của Hàn Quốc chính thức được thực hiện từ ngày 5/5 trong nỗ lực thúc đẩy sự hòa giải và thống nhất giữa hai miền.

Ngày 5/5, Triều Tiên đã chính thức hợp nhất với múi giờ của Hàn Quốc, theo đó, đẩy nhanh các đồng hồ của mình lên thêm 30 phút. Việc thống nhất lại múi giờ trên Bán đảo Triều Tiên là một trong những bước đầu tiên để hiện thực hóa Tuyên bố Bàn Môn Điếm, hướng tới hòa giải dân tộc.
 Triều Tiên chính thức hợp nhất với múi giờ của Hàn Quốc từ ngày 5/5.
Theo KCNA, việc thay đổi lại múi giờ là bước đi thực tế đầu tiên sau Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử lần thứ 3 giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, diễn ra cách đây 1 tuần nhằm thúc đẩy tiến trình hòa giải trên Bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã bất ngờ đề xuất chỉnh múi giờ của nước này nhanh hơn 30 phút, trùng với múi giờ của Hàn Quốc, trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 27/4 vừa qua. Hai bên đã ra Tuyên bố Bàn Môn Điếm, với cam kết chắc chắn sẽ sớm chấm dứt việc đối đầu và chia rẽ lâu dài từ thời Chiến tranh Lạnh, hướng tới kỷ nguyên mới về hòa giải dân tộc, hòa bình và thịnh vượng.
Người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cho biết, trong cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử hôm 27/4 ở Bàn Môn Điếm, Nhà lãnh đạo Kim đã hứa với ông Moon sẽ chuyển múi giờ của Bình Nhưỡng về trùng với giờ Seoul. Theo người phát ngôn Yoon Young Chan, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã nói rằng ông cảm thấy "đau lòng" nhìn thấy 2 chiếc đồng hồ treo tường trong phòng họp chỉ 2 múi giờ khác nhau.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un vàTổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có cuộc gặp lịch sử hôm 27/4 vừa qua.
Từ năm 2015, Triều Tiên bất ngờ thay đổi giờ chậm hơn Hàn Quốc 30 phút, khiến hai nước dù nằm trên cùng một bán đảo nhưng lại có múi giờ khác nhau. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã chỉ trích mạnh mẽ quyết định của nước láng giềng, cho rằng nó đã đào sâu thêm khoảng cách giữa hai nước vốn vẫn chưa thể đi tới một Hiệp ước hòa bình sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).