Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triều Tiên thay vỏ bọc cho các tàu như thế nào để tránh lệnh trừng phạt?

Lan Hương (Theo Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện các lệnh trừng phạt với Triều Tiên là thách thức lớn nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Việc thay đổi tên và chủ sở hữu các tàu này là một phần trong chiến dịch tạo vỏ bọc cho các tàu của triều Tiên để đối phó với các lệnh trừng phạt đang được siết chặt từ Washington và Liên Hợp quốc (LHQ).
Triều Tiên đã kiếm được gần 200 triệu USD trong 9 tháng đầu năm ngoái từ hoạt động xuất khẩu các mặt hàng cấm vận, là nguồn tài chính đáng kể cho nước này, theo một báo cáo của LHQ.
Bản báo cáo này cho hay, Bình Nhưỡng đã chuyển than đá tới các cảng của Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, chủ yếu sử dụng giấy tờ giả và các công ty vỏ bọc để che giấu nguồn gốc.
Các tàu vận chuyển hàng được cắm cờ các quốc gia châu Phi, Caribe và Hồng Kông (Trung Quốc). Các tàu bị cấm vận được cắm các cờ mới, các công ty cũng được tạo ra để tạo vỏ bọc cho các tàu chở hàng. Sau đó, chúng tiếp tục đi theo tuyến đường biển cũ. Đó là trường hợp của 2 tàu Jin Teng và Jin Tai 7. Cả 2 tàu đều liên tục thay đổi tên và chủ sở hữu, cho thấy Triều Tiên tiếp tục tìm cách để lách các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Tàu Jin Teng của Triều Tiên ở Manila, Philippines hồi tháng 3/2016.
Jin Teng, bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt vào tháng 3/2016, đã được biến thành tàu Shen Da 8 và sau đó là Hang Yu 1 tháng 11 năm ngoái, theo Kharon, một công ty có trụ sở tại Los Angeles, Mỹ chuyên xác định nguy cơ trừng phạt đối với các công ty và ngân hàng.
Trong khi đó, Jin Tai 7 cũng bị áp đặt trừng phạt cùng thời gian, đã đổi tên thành Sheng Da 6 2 tháng sau và tháng 11 năm ngoái biến thành Bothwin 7, trước thời điểm LHQ thống nhất về lệnh trừng phạt mới hồi tháng 12/2017. Cả 2 tàu này vẫn nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ mặc dù đã đổi tên.
Tàu Bothwin 7 đã ghé cảng Lianyungang, Trung Quốc tháng 1 năm nay, cùng thời điểm với lúc tàu Hang Yu 1 dừng ở cảng Ningbo-Zhoushan, cũng ở Trung Quốc. Cả 2 tàu này đều là một thành viên của đội tàu thuộc sở hữu công ty Ocean Maritime Management Co., đặt tại Bình Nhưỡng.
Mặc dù các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên là hành động có ý nghĩa lớn nhưng lại không có khả năng thay đổi hành động của nhà lãnh đạo nước này, ông Robert Huish, Phó GS tại trường Đại học Dalhousie, Canada nhận định.
Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã tuyên bố lệnh trừng phạt mới đối với 27 tổ chức và 28 tàu nhằm hạn chế đáng kể đến khả năng tiến hành các hoạt động hàng hải của Triều Tiên nhằm tạo điều kiện cho việc vận chuyển than và nhiên liệu bất hợp pháp và hạn chế khả năng của tàu hàng hoá thông qua vùng biển quốc tế. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã cam kết sẽ duy trì áp lực tối đa lên Bình Nhưỡng ngay cả khi đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc đang theo đuổi việc xoa dịu quan hệ với Triều Tiên.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm và theo dõi các công ty của Triều Tiên là một nhiệm vụ khó khăn đối với Bộ Tài chính Mỹ và các nhà điều tra của LHQ.
Mặc dù Trung Quốc đã có các động thái làm giảm thương mại với Triều Tiên, nước này vẫn là đối tác quan trọng của Bình Nhưỡng. Hỗ trợ, thương mại và đầu tư của Trung Quốc là yếu tố quan trọng đối với sự ổn định xã hội của Triều Tiên.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc gỡ liên kết giữa các công ty Trung Quốc và Triều Tiên là nhiệm vụ khó khăn nhất.
Tháng 8 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt với công ty than Trung Quốc Dandong Zhicheng Metallic Material Co vì bán than cho Triều Tiên và sử dụng doanh thu để mua các mặt hàng khác có liên quan đến hạt nhân và tên lửa cho Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, công ty Zhicheng, ở TP biên giới Dandong giữa 2 nước đã hợp tác với Alibaba trước khi bị áp đặt lệnh trừng phạt.
Nhưng Trung Quốc không phải là đối tác thương mại duy nhất với Triều Tiên.
Báo cáo của LHQ cho biết, OCN (S) Pte Ltd, một nhà bán sỉ các thiết bị điện tử và hàng hoá xa xỉ có trụ sở tại Singapore đã liên kết với Triều Tiên thông qua việc xuất khẩu hàng hoá cao cấp bị cấm vận và thiết lập các mối quan hệ tài chính không phù hợp với Bình Nhưỡng. Giám đốc OCN đã bác bỏ các thông tin này. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính Mỹ, OCN đã liên kết với Văn phòng 39 của Triều Tiên - "một chi nhánh bí mật của chính phủ tham gia vào các hoạt động kinh tế bất hợp pháp và tạo ra thu nhập cho sự lãnh đạo của nước này".