Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai và 3 luật khác có hiệu lực sớm

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiều 13/6, tại phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật, gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Theo đó, Chính phủ đề xuất cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8 thay vì 1/1/2025.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Chính phủ nhận định việc cho phép Luật Đất đai có hiệu lực sớm hơn sẽ khơi thông nguồn lực, khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của các địa phương, doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, nhiều chính sách trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cũng có thể thực hiện được ngay...

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, Ủy Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định dự luật trên; đồng thời đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các ban, ngành, địa phương ban hành văn bản hướng dẫn đảm bảo tiến độ, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành luật từ 1/8/2024.

Cùng với đó rà soát kỹ các điều khoản chuyển tiếp để đảm bảo thống nhất, đồng bộ, khả thi, không chồng chéo, mâu thuẫn trong nội tại của từng luật, giữa các luật và hệ thống pháp luật.

Nhận diện rõ, đầy đủ rủi ro, thách thức, hệ quả, tiêu cực của việc điều chỉnh thời gian hiệu lực, điều khoản chuyển tiếp của các luật để có giải pháp kiểm soát và khắc phục.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần cam kết, chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật như thuyết minh trong tờ trình của Chính phủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, không tạo khoảng trống pháp luật, pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm, lợi ích nhóm; không gây vướng mắc, ách tắc cho các địa phương, người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển. Đồng thời, không tạo ra hiệu ứng pháp lý tiêu cực ảnh hưởng đến đối tượng tác động và môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng dẫn đến phản ứng xã hội, kiếu nại, khiếu kiện.

Cùng với đó, đề nghị Chính phủ tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo luật trình Quốc hội. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan thẩm tra để chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 7 theo thủ tục rút gọn. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Tổng Thư ký Quốc hội xây dựng báo cáo Quốc hội điều chỉnh chương trình kỳ họp, bố trí thời gian trình bày trước Quốc hội, thảo luận tổ, thảo luận hội trường, biểu quyết thông qua.