Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trở lại mặt đất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm qua, thị trường chuyển nhượng cầu thủ nội đã khép lại với việc các đội bóng phải đăng ký danh sách thi đấu mùa giải tới.

Nhìn tổng thể, thị trường chuyển nhượng đã có những chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Đã không còn những bản hợp đồng "bom tấn" và giá cầu thủ giờ đã bớt ảo.

Chuyến tàu cuối

Trước giờ đóng cửa thị trường chuyển nhượng, có hai “ngôi sao” Mạc Hồng Quân (ảnh) và Lê Văn Thắng đã giải quyết được những rắc rối về hợp đồng để tìm cho mình bến đỗ mới. Mạc Hồng Quân đã giảm được mức bồi hoàn hợp đồng cho Quảng Nam từ 1,4 tỷ đồng xuống còn 500 triệu đồng. Ngay sau đó, cầu thủ này đã bất ngờ chọn Quảng Ninh làm bến đỗ và đút túi khoản tiền 4 tỷ đồng sau khi đồng ý ký vào bản hợp đồng 3 năm.

 
Trở lại mặt đất - Ảnh 1

 
Cũng được Cần Thơ dành chi 3 tỷ đồng cùng bản hợp đồng có thời hạn 3 năm, nhưng Lê Văn Thắng về cơ bản vẫn trắng tay. Lý do là toàn bộ số tiền 3 tỷ đồng đó sẽ được chuyển vào tài khoản của đội bóng Ninh Bình, nơi sở hữu Văn Thắng trong thời gian vừa qua. Đáng nói, phải rất vất vả, Cần Thơ và bản thân Văn Thắng mới thuyết phục được ông chủ của Ninh Bình là doanh nhân Hoàng Mạnh Trường đồng ý giảm tiền bồi thường hợp đồng từ 3,5 xuống 3 tỷ đồng. Với một đội bóng như Cần Thơ, để có được 3 tỷ đồng cho bản hợp đồng này đã là một kỳ tích. Thế nhưng, đội bóng này không còn lựa chọn nào khác sau khi không có được những cầu thủ chất lượng trong mùa giải đầu tiên lên chơi ở V - League.

Tin vào hàng cũ

Với thị trường cầu thủ ngoại, mùa chuyển nhượng vừa qua được đánh giá là yên ắng. Không có những bản hợp đồng khủng được công bố. Lý do được đưa ra là các đội bóng đang ở giai đoạn khó khăn nhất về tài chính nên không mặn mà với việc thử việc cầu thủ ngoại. Họ không có chi phí mời người sang và cũng không muốn tốn tiền thử quân. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến việc, các đội bóng giờ không chấp nhận mưa tiền cho những bản hợp đồng hàng hiệu. Họ chỉ ký với những cầu thủ chấp nhận lót tay và mức lương tháng vừa phải. Ngay cả những cầu thủ đang còn hợp đồng cũng phải chấp nhận tự giảm chế độ đãi ngộ nếu không muốn bị chấm dứt hợp đồng. Đại diện các đội bóng cho rằng, mặt bằng về tài chính ở V - League đang thay đổi theo hướng thấp dần nên các cầu thủ cũng phải chấp nhận chia sẻ với khó khăn của đội bóng.

Không trả tiền cao nhưng các đội bóng lại muốn có được sự an toàn về chuyên môn. Vậy nên, thay vì tìm kiếm những cầu thủ mới vốn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, các đội bóng hướng đến các cầu thủ vốn đã thành danh ở V - League. Thế mới có chuyện, hàng loạt cầu thủ ngoại có sự chuyển dịch từ đội bóng này sang đội bóng khác sau khi đã thống nhất được về chế độ tài chính. Đơn cử, Thanh Hóa ký hợp đồng với Timothy, trong khi Bình Dương cảm thấy hài lòng vì "câu" được sát thủ Oseni mùa trước còn đầu quân cho Long An. Thậm chí, để an tâm hơn, Thanh Hóa đã mời về cầu thủ từng thi đấu cho mình vài mùa trước là Omar do đã quá hiểu về năng lực chuyên môn.

Không có nhiều biến động về nhân sự, giá cả cũng giảm đi rất nhiều so với quãng thời gian trước đây, mục tiêu cân bằng tài chính của các đội bóng là rất khả thi. Hay nói cách khác, bóng đá Việt Nam chính thức chia tay với những giá trị ảo để trở về với những tiêu chuẩn mang tính bền vững.