Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trời lạnh, người trẻ cũng bị nhồi máu cơ tim

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiết trời giá lạnh khiến không chỉ người già mà nhiều người trẻ cũng phải nhập viện do nhồi máu cơ tim. Có những ngày Bệnh viện (BV) E phải tiếp nhận tới 5 trường hợp cấp cứu bởi bệnh lý này. Điều đáng nói, nhiều người trẻ chủ quan với bệnh nên mất đi cơ hội sống.

 Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện E. Ảnh: Hà Linh

Chết vì chủ quan
Sau khi tắm xong, anh Nguyễn Văn H., 56 tuổi (Bắc Giang) cảm thấy hơi tức ngực nhưng chủ quan, không nghĩ đến bệnh tật và đi ngủ. Nửa đêm anh đau ngực dữ dội, được gia đình đưa đến BV gần nhà, sau đó được chuyển xuống cấp cứu BV E lúc 5 giờ sáng trong tình trạng sốc tim, rối loạn nhịp. Ngay lập tức bệnh nhân (BN) được hội chẩn, cấp cứu tim mạch can thiệp, bệnh nhân được đặt 3 stent. Sau 7 ngày, BN được ra viện.

Anh H. là người may mắn hơn so với nhiều người bệnh khác. Chị Nguyễn Thị M., 27 tuổi là giảng viên một trường đại học tại Hà Nội, trong khi đang giảng bài thì bị đau tức vùng ngực và quỵ ngã. Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu tại BV gần trường, sau đó chuyển đến BV E trong tình trạng suy hô hấp. Tại BV, BN được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, dù nỗ lực hết sức, nhưng mọi biện pháp cấp cứu đều không hiệu quả, BN tử vong.

Bác sĩ Phan Thảo Nguyên - Trưởng khoa Nội và can thiệp tim mạch, BV E cho biết, thời tiết lạnh khiến số lượng BN bị nhồi máu cơ tim tăng. Hiện tại, khoa có 3 BN vừa được can thiệp cứu sống. Trong mấy ngày qua, khoa đã tiếp nhận hơn 30 trường hợp bị bệnh lý này. Nếu như trước đây, nhồi máu cơ tim thường gặp ở người già hoặc nam giới sau 45 tuổi, nữ sau tuổi mãn kinh nhưng hiện nay, bệnh xuất hiện nhiều cả ở người trẻ, có những BN chỉ ngoài 20 tuổi.

Theo bác sĩ Nguyên, thời tiết trở lạnh khiến mạch máu ngoại biên bị co lại, làm tăng lượng máu trở về tim và gây tăng huyết áp. Huyết áp tăng đột ngột, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm, nhất là nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ não.
Đặc biệt, ở những bệnh nhân mắc tăng huyết áp kèm bệnh mạch vành, đái tháo đường thì nguy cơ biến chứng càng cao. Điều đáng lo ngại, nhiều BN chỉ bị một cơn đau ngực nhẹ ở giữa xương ức và triệu chứng này có thể nhanh chóng qua đi, khiến người bệnh cho là bình thường nhưng thực tế đã bị nhồi máu cơ tim. Nếu không được cấp cứu kịp thời, biến chứng sẽ rất nặng nề.

Cứu bệnh nhân trong “giờ vàng”

Bác sĩ Phan Thảo Nguyên cho biết, tuy chứng nhồi máu cơ tim rất nguy hiểm nhưng nếu nhận biết sớm để điều trị kịp thời (dùng thuốc làm tan huyết khối hoặc phẫu thuật nong động mạch vành), BN sẽ tránh được tử vong và những biến chứng sau đó. Hiệu quả điều trị tốt nhất nếu BN được xử trí trong vòng 1 giờ đầu. Để càng lâu, mạch máu nuôi tim (động mạch vành) bị tắc nghẽn khiến cơ tim chết đi và không thể hồi phục. Giới hạn “giờ vàng” cho phép điều trị là trong vòng 10 giờ từ khi bị bệnh.

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, BN bị rối loạn chuyển hóa, đặc biệt là những người có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường nên đi khám tim mạch thường xuyên. Nếu thấy có biểu hiện đau ngực trái dữ dội, kéo dài hơn 15 - 30 phút, đôi lúc kèm vã mồ hôi, khó thở, có thể đau lan ra cánh tay cẳng tay trái đến ngón út và áp út bàn tay trái, hoặc có thể lan sau lưng hoặc hàm dưới trái… thì cần nghĩ tới bệnh mạch vành và đến viện ngay để được xử lý kịp thời. Trong quá trình di chuyển đến cơ sở y tế cần di chuyển bằng các phương tiện an toàn, tránh để BN vận động gắng sức.

Để phòng nhồi máu cơ tim khi trời lạnh, những người có bệnh lý tim mạch, huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao... cần phải giữ ấm cơ thể, tránh ra ngoài khi trời giá lạnh, trường hợp ra ngoài cần phải được mặc ấm, tuyệt đối không được tắm lạnh...
Theo thống kê, mỗi năm thế giới có khoảng 17 triệu người tử vong vì các bệnh tim mạch mà đa số liên quan đến xơ vữa động mạch gây ra nhồi máu cơ tim. 50% ca tử vong không có dấu hiệu báo trước. Ước tính của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, cứ mỗi 34 giây lại có một trường hợp bị đột quỵ do nhồi máu cơ tim, cứ 1 phút trôi qua lại có một trường hợp tử vong trên thế giới.