Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trong cái khó vẫn không ít cơ hội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mặc dù kinh tế đang gặp khó khăn nhưng đây cũng là cơ hội để lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh hoạt động quản trị, tái cơ cấu DN. Đó là ý kiến của đa số các đại biểu tại Diễn đàn CEO: Quản trị khủng hoảng, ngày 15/3.

Doanh nghiệp gặp khó

Số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy, năm 2012 số lượng DN đăng ký thành lập mới giảm cả số lượng và vốn đăng ký so với năm trước. Đến hết ngày 31/12/2012 cả nước có gần 70.000 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 467.000 tỷ đồng, giảm 9,8% về số DN và 9% về vốn đăng ký so với năm 2011. Cùng trong thời gian này có hơn 54.000 DN phải giải thể, tạm ngừng hoạt động.

Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT) cho biết: Tình hình khó khăn của DN thể hiện qua chỉ số hàng tồn kho của ngành công nghiệp tăng cao. Năm 2012 chỉ số hàng tồn kho của ngành này tăng 20% so với năm trước. Đặc biệt, nhóm DN kinh doanh bất động sản và vật liệu xây dựng hiện tồn kho một lượng hàng hóa trị giá 18.671 tỷ đồng. Cùng với đó, do việc tiêu thụ hàng hóa giảm mạnh, nợ quá hạn cao khiến khả năng hấp thụ vốn của DN giảm mạnh. Hiện có đến 60% DN không có nhu cầu vay vốn vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Sự ách tắc này không chỉ ảnh hưởng đến DN mà cả hệ thống ngân hàng.

Trong cái khó vẫn không ít cơ hội - Ảnh 1

Sản xuất viên dầu gấc tại Công ty Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam, Khu công nghiệp Phố Nối, Hưng Yên. Ảnh: Hoài Nam

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, do hiện nay sản xuất của Việt Nam chủ yếu dựa vào gia công hàng hóa nên giá trị gia tăng thấp đang làm mất đi sức cạnh tranh của hàng Việt khi hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là nguyên nhân khiến hoạt động xuất khẩu năm 2012 chủ yếu dựa vào DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Thời cơ sau khủng hoảng

Mặc dù, năm 2013 các DN vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn khi nền kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu hồi phục rõ nét, nhưng đây cũng là cơ hội cho lãnh đạo các DN đẩy mạnh cơ cấu lại DN và phát triển thị trường tiêu thụ.

Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, để đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, các DN nên chủ động tái cơ cấu bằng cách kiểm soát chặt chẽ đầu vào, tiết giảm chi phí, củng cố hệ thống phân phối để giá cả hàng hóa đến tay người tiêu dùng ở mức thấp nhất. Ngoài ra, nên tận dụng tối đa các lợi thế ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại Tự do FTA mà Việt Nam đã ký kết. Bên cạnh đó, DN nên đa dạng hóa việc huy động vốn, không nên quá ỷ lại vào ngân hàng, từ đó cân đối nguồn vốn sản xuất kinh doanh.

Từ thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen nêu kinh nghiệm, tiêu thụ sản phẩm bằng cách tăng cường quảng bá, coi trọng phát triển hệ thống bán lẻ, đặc biệt là thị trường nông thôn. "Đến nay, ngoài 113 chi nhánh phân phối, bán lẻ trên khắp cả nước, đơn vị còn có hệ thống đại lý nhượng quyền thương mại rộng khắp… Đây là một trong những cơ sở để DN hoàn thành mục tiêu đạt doanh thu một tỷ USD vào năm 2015" - ông Vũ nói.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng nhà nước (NHNN), nhằm hỗ trợ DN trong hoạt động tái cơ cấu sản xuất, trong năm 2013 NHNN sẽ đẩy mạnh việc triển khai Đề án xử lý nợ xấu được Chính phủ thông qua, điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt theo tín hiệu thị trường, tập trung vốn cho sản xuất hàng xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ.

Lãnh đạo các DN tham gia diễn đàn đều có chung ý kiến, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các DN cần có chiến lượng kinh doanh đúng hướng, phù hợp với năng lực hiện có; Xây dựng kế hoạch phát triển trong trung và dài hạn. Bởi yếu tố quyết định vận mệnh của mỗi DN vẫn là nỗ lực của bản thân mỗi DN.