Đúng 7h30, Tổ công tác của Đội CSGT Đường sắt do Đại úy Đặng Hồng Giang – Đội trưởng Đội CSGT Đường sắt làm chỉ huy bắt đầu thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đường Ngọc Hồi. Tại ngõ 210 đường Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội), đây là điểm giao cắt với đường sắt có lượng phương tiện qua lại rất đông.
|
Các chiến sĩ CSGT trực chốt tại các điểm giao cắt đường sắt để đảm bảo ATGT. |
Tổ công tác cắt cử cán bộ đứng chốt, ra hiệu lệnh cho người đi đường mỗi khi có đoàn tàu sắp chạy qua. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, vẫn còn nhiều trường hợp người dân cố tình băng qua đường sắt bất chấp hiệu lệnh của lực lượng CSGT.
|
Hướng dẫn người đi đường dừng lại mỗi khi có tàu hỏa đi qua. |
Tiếp đó, tại Km14+500 QL1A thuộc nút giao cầu Quán Gánh (xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, TP Hà Nội), Tổ công tác cũng tiến hành đứng chốt, ra hiệu lệnh điều khiển giao thông khi có đoàn tàu đi qua. Điều đặc biệt, mặt dù điểm giao cắt đường sắt này có lượng phương tiện đường bộ qua lại rất đông nhưng không hề có rào chắn và tín hiệu cảnh báo.
|
Tuyến đường sắt chạy qua địa phận TP Hà Nội có rất nhiều điểm giao cắt không hợp pháp, không đảm bảo an toàn. |
Để hướng dẫn người dân đi lại an toàn, một cán bộ thuộc Tổ công tác đã phải túc trực liên tục tại đây, vừa làm nhiệm vụ hướng dẫn người dân dừng lại mỗi khi có tàu đi qua, vừa làm công tác tuyên truyền, giáo dục về luật ATGT, nhất là việc đảm bảo ATGT tại điểm giao cắt với đường sắt để người dân hiểu và tuân thủ.
|
Tai nạn giao thông đường sắt tại những điểm giao cắt với đường dân sinh tự mở vẫn là vấn đề nóng của ngành đường sắt trong nhiều năm qua. |
Trao đổi với PV, Đại úy Đặng Hồng Giang – Đội trưởng Đội CSGT Đường sắt (thuộc Phòng CSGT TP Hà Nội) cho biết, tuyến đường sắt chạy qua địa bàn TP Hà Nội có tất cả 580 điểm đường ngang giao cắt với đường bộ, trong đó chỉ có 184 điểm giao cắt hợp pháp phòng vệ bằng người gác. Còn lại có tới 396 điểm dân sinh tự phát và không có phòng vệ cảnh báo.
|
Các chiến sĩ Đội CSGT Đường sắt TP Hà Nội phân công trực chốt xuyên Tết để đảm bảo ATGT đường sắt Thủ đô. |
Riêng trên địa bàn huyện Thanh Trì có 94 điểm giao cắt với đường bộ, trong đó có 53 điểm có cảnh báo tự động, 35 điểm có rào chắn, người gác và 6 điểm có biển báo. Với đặc điểm trên, nguy cơ mất ATGT đường sắt là không hề nhỏ. Do đó, theo Đại úy Đặng Hồng Giang, nhiệm vụ hàng ngày của các chiến sỹ CSGT đường sắt Hà Nội là đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên hành trình 152km đường sắt qua nhiều quận, huyện với hàng nghìn đường ngang dân sinh bắc qua.
Đại úy Đặng Hồng Giang cho biết thêm, trong năm 2017 với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, tai nạn đường sắt đã được hạn chế, cụ thể giảm cả 3 tiêu chí về số người chết, bị thương và số vụ. Tuy nhiên, để làm giảm tai nạn giao thông đường sắt bền vững cần thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có việc tuyên truyền cho người dân, nâng cao ý thức tham gia giao thông.
“Để đảm bảo ATGT đường sắt, tránh nguy cơ tai nạn xảy ra, đơn vị đã phân công từng cán bộ chiến sĩ trực chốt tại các điểm giao, hướng dẫn người dân. Song song với đó, đơn vị cũng đã phối hợp với lực lượng chức năng địa phương, Tổng Cty Đường sắt lắp rào chắn tự động, thêm biển báo ở những điểm giao cắt”, Đại úy Đặng Hồng Giang khẳng định.