Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đã gia tăng trong vài tháng gần đây, trong đó có tranh cãi về các cơ chế trừng phạt CHDCND Triều Tiên. Theo đó, các quan chức Mỹ cho rằng Bắc Kinh thất bại trong việc thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng đã được các bên thỏa thuận. Quan trọng hơn, căng thẳng giữa 2 bên cũng kéo dài âm ỉ về các vấn đề ở Biển Đông.
Một hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc cải tạo đất trái phép tại Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. |
Hôm thứ Năm, phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ngang nhiên chỉ trích các hành động của Mỹ là núp dưới vỏ bọc tự do hàng hải. Đồng thời ngang ngược tuyên bố Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất cứ hành động nào xâm phậm đến chủ quyền và làm hại đến lợi ích an ninh của Trung Quốc. Người đứng đầu Trung Quốc còn tự tin “nhắc nhở” Mỹ nên tuân thủ nghiêm túc cam kết trung lập trong vấn đề chủ quyền và lãnh thổ hàng hải ở Biển Đông.
Các động thái gay gắt này được đưa ra sau khi đầu tháng này, Philippines đã đồng ý cho phép lực lượng Mỹ tiếp cận 5 căn cứ quân sự, bao gồm một số căn cứ trong vùng tranh chấp ở Biển Đông, đúng vào thời điểm Trung Quốc vừa có động thái đặt các cấu trúc quân sự và điều các máy bay dân sự trái phép ra một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Tháng 10/2015, Mỹ tiến hành điều 2 tàu chiến tiến sát trong khu vực 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý tại Biển Đông, trong một động thái thực thi tự do hàng hải. Khi được hỏi về các hoạt động gần đây của tàu Mỹ, ông Yang Yujan - Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết: “Với các tàu Mỹ đã đến, tôi chỉ có thể nói là, họ hãy cẩn thận”. Tuy nhiên, giới chức Mỹ phản đối, các hoạt động hải quân là cần thiết để duy trì một sự hiện diện cân bằng trong khu vực. Quan chức Mỹ đã bày tỏ lo ngại, Bắc Kinh có thể tuyên bố một khu vực xác định phòng không (ADIZ) trong khu vực, như nước này đã làm ở biển Hoa Đông vào năm 2013. Đây không phải là lần đầu tiên giới chức Trung Quốc có các tuyên bố trái ngược với các hành động của mình. Mặc dù liên tiếp khẳng định tôn trọng luật phát quốc tế nhưng từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã có một loạt các hành động phi pháp như đưa hệ thống tên lửa và máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Sau đó, giới chức Mỹ lại tiếp tục cảnh báo về một số dấu hiệu về việc cải tạo trái phép một bãi cạn mà nước này đã chiếm đóng của Philipines. Điều này trái ngược hoàn toàn với cam kết phi quân sự hóa khu vực mà chính ông Tập Cận Bình đã tuyên bố. Các nước trong khu vực đã lập tức lên án hành động nhằm quân sự hóa Biển Đông này của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, Việt Nam sẽ kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.