Theo đó, báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật T.Ư của Trung Quốc cho hay, các số liệu đã bị làm giả ở "một số khu vực" và một số công ty ở 2 tỉnh Nội Mông và Cái Lâm. Vi phạm được phát hiện trong lĩnh vực sử dụng nguồn tài chính để giảm nghèo. Báo cáo cũng chỉ rõ sai phạm của các quan chức địa phương ở 2 tỉnh này trong việc làm giả số liệu nhưng không nêu cụ thể mức độ phổ biến của sự việc lần này.
Cát Lâm là tỉnh biên giới, giáp với Triều Tiên và là tỉnh nằm ở khu vực chuyên sản xuất lương thực của Trung Quốc. Tuy nhiên, Cái Lâm lại là địa phương tăng trưởng chậm thứ 2 ở Trung Quốc trong quý đầu năm 2017. Tổng sản lượng của Cát Lâm chỉ bằng 1/2 so với thủ đô Bắc Kinh. Trong khi đó, Nội Mông - tỉnh sở hữu trữ lượng than đá dồi dào, cũng không nằm trong nhóm các địa phương tăng trưởng mạnh.
Đây không phải lần đầu tiên một trường hợp giả mạo số liệu kinh tế được phát hiện ở Trung Quốc. Đơn cử như lãnh đạo thủ phủ công nghiệp nặng Liêu Ninh cũng vừa thừa nhận việc làm giả số liệu từ năm 2011 - 2014. Theo nhật báo People's Daily, trong khoảng thời gian trên, chính quyền TP ở Tây Bắc Trung Quốc đã làm giả số liệu, gây ra đánh giá sai lệch về tình trạng kinh tế của Liêu Ninh. Nguồn thu của tỉnh này trong năm tài khóa bị thổi phồng ít nhất 20%. Các nhà quan sát cho hay, trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng chậm và không đạt được mức bùng nổ như trước, các địa phương ở Trung Quốc càng phải đối mặt với áp lực tạo ra số liệu "đẹp". Ngoài ra, tình trạng “tô hồng” số liệu kinh tế gia tăng một phần bắt nguồn từ sự ám ảnh về thành tích của cán bộ địa phương, với hy vọng đạt được sự thăng tiến chính trị trên con đường quan lộ.
Trước tình trạng này, giới chức Bắc Kinh đang nỗ lực tìm cách cải thiện độ tin cậy của dữ liệu kinh tế giữa trong bối cảnh nhiều rủi ro tài chính lan rộng và trở thành mối quan tâm chính về mặt chính sách. Những vụ “tô hồng” số liệu kinh tế gần đây đã khiến Cục Thống kê Trung Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc lưu giữ số liệu, phải đưa ra cơ chế mới để đảm bảo tính chính xác cũng như nâng cao chất lượng số liệu.
Ông Ning Jizhe - Tổng Cục trưởng Tổng cục thống kê Trung Quốc trong một cuộc họp hồi tháng 5 khẳng định, nước này đang tuyên chiến với nạn giả mạo số liệu kinh tế và hoạt động thống kê. Theo đó, Trung Quốc đang thay đổi sang một hệ thống đánh giá khoa học hơn để đảm bảo tính xác thực và độ tin cậy của số liệu, với các hướng dẫn mới về quản lý công tác thống kê, cải tiến khuôn khổ pháp lý và xử phạt nặng các vi phạm liên quan đến dữ liệu kinh tế. Năm ngoái, cơ quan chức năng đã điều tra 15 vụ vi phạm thống kê, trong đó, mỗi vụ có khoảng 10 người phải chịu các hình thức kỷ luật khác nhau.