Viện này cũng dự báo đồng Nhân dân tệ sẽ trở thành đồng tiền hạt nhân tại châu Á trong 10 năm tới. Sách Xanh cho thấy sau hơn 30 năm cải cách, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế nhưng vẫn chưa phải là cường quốc kinh tế, càng chưa phải là một cường quốc tài chính. Năm 2009, tỷ trọng ngành dịch vụ tài chính trong GDP của Trung Quốc chiếm chưa tới 7%. Hiện nay, trong lĩnh vực tài chính thực thể, ở một chừng mực nào đó, Trung Quốc thực sự đã nắm được vị trí chủ đạo ở một vài lĩnh vực của nền kinh tế thế giới, nhưng so với địa vị kinh tế thì thực lực tài chính vẫn chưa đủ mạnh. Vì thế, muốn trở thành cường quốc kinh tế lãnh đạo thế giới, điều cấp bách hiện nay là cần định ra chiến lược phát triển trung tâm tài chính quốc gia, xây dựng thị trường tài chính và ngành tài chính phát triển, trở thành "người chơi" quan trọng trên thị trường tài chính quốc tế, và xây dựng các trung tâm tài chính có sức ảnh hưởng quốc tế. Trải qua tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lần này, trung tâm tài chính của Mỹ và châu Âu tuy vẫn duy trì được ưu thế truyền thống, nhưng họ đang đối mặt với thách thức từ trung tâm tài chính của các thị trường mới nổi như Trung Quốc. Cùng với sự nâng cao về vị thế quốc tế, Trung Quốc sẽ giành quyền chủ đạo lớn hơn trong cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế; quyền phát ngôn và sức ảnh hưởng của các thành phố như Hong Kong, Bắc Kinh, Thượng Hải cũng không ngừng tăng lên. Sách xanh nêu rõ Trung Quốc đã trở thành trung tâm của mạng lưới sản xuất Đông Á, địa vị của Trung Quốc trong kinh tế và thương mại của châu Á và cả thế giới tiếp tục được nâng lên. Dự kiến đến năm 2020, tổng giá trị kinh tế Trung Quốc sẽ gấp hai lần Nhật Bản và địa vị của nước này trong khu vực châu Á sẽ lên cao hơn nữa. Địa vị đồng yen sẽ giảm sút cùng với vị thế kinh tế của Nhật Bản, trong khi vai trò đồng tiền khu vực của nhân dân tệ sẽ tăng lên mạnh mẽ và có thể trở thành đồng tiền trung tâm của châu Á./.