Trung Quốc đã không còn đi theo hình mẫu phát triển tập trung vào đầu tư và xuất khẩu cũ kĩ. Quan trọng hơn nữa, bản chất của tiêu dùng đã thay đổi, không còn xoay quanh các mặt hàng chủ lực mà chuyển sang chi tiêu cho phim ảnh, du lịch và chăm sóc sức khoẻ.
Theo các thống kê chính thức mới nhất, tiêu dùng chiếm đến 63,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Chi tiêu hộ gia đình đã chứng kiến sự tăng trưởng theo cấp số nhân và chạm mốc 4,5 tỷ USD. Trong khi bán lẻ tăng trưởng ở tốc độ 10%.
Chỉ tính riêng trong ngày Lễ Độc thân (11/11), người dân Trung Quốc đã chi tiêu 25 tỷ USD, gần gấp đôi mức mua sắm trực tuyến trong ngày Black Friday ở Mỹ (14 tỷ USD).
Người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng giàu lên và nhu cầu với các mặt hàng xa xỉ cũng tăng lên.
Thứ nhất, đã có sự thay đổi từ việc mua những thứ cần thiết đến những sản phẩm chất lượng cao. Việc chi tiêu cho các đồ dùng thiết yếu và thực phẩm đã giảm xuống. Thay vào đó, tiền được chi tiêu cho các sản phẩm sức khỏe, thực phẩm xanh, thiết bị thông minh, xe cộ, các sản phẩm làm đẹp...
Thứ hai, các sản phẩm giá rẻ sản xuất hàng loạt đã hết thời trong khi các thương hiệu chất lượng cao đang tiến vào thị trường Trung Quốc. Người dân Trung Quốc rất chuộng các thương hiệu nước ngoài. Với họ, các sản phẩm mang thương hiệu nước ngoài là biểu tượng của sự giàu có và địa vị xã hội.
Thứ ba, người Trung Quốc ngày càng chi tiêu cho du lịch nhiều hơn, là đối tượng khách hàng dồi dào không chỉ của các nước trong khu vực mà còn các nước châu Âu.
Tất cả các hoạt động này sẽ diễn ra ngày càng nhiều thông qua mua sắm trực tuyến. Việc áp dụng nhanh chóng công nghệ internet và điện thoại di động của Trung Quốc đã vượt qua một số nước phát triển, khiến việc mua sắm càng nở rộ, đặc biệt là qua các thiết bị cầm tay.
Khi sự mở rộng của Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào tiêu dùng, sự tăng trưởng của nó sẽ không chỉ tập trung vào nội bộ mà nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ cao cấp sẽ tăng lên. Thị trường này sẽ ngày càng hấp dẫn các công ty đa quốc gia và các nhà đầu tư.