Trung tâm Khuyến nông Hà Nội: Sát cánh cùng nông dân vượt qua đại dịch

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - ''Cùng với triển khai kịp thời, hiệu quả các mô hình khuyến nông, đồng hành cùng nông dân chuyển đổi sản xuất phù hợp, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Trung tâm) còn nỗ lực kết nối tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp'' - Đó là chia sẻ của Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

 Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương. Ảnh: Ngọc Ánh

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, TP thực hiện  giãn cách xã hội kéo dài chắc hẳn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến việc triển khai các mô hình khuyến nông không. Bà có thể nói rõ hơn về nội dung này?

- Đúng là như vậy. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giãn cách xã hội đã tác động không nhỏ đến một số mô hình khuyến nông. Đơn cử như, mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm cao sản trên cạn: Mô hình có nhiều ưu điểm hơn so với phương pháp nuôi truyền trống, đàn vịt sạch sẽ, lớn nhanh, phát triển đồng đều, tỷ lệ sống cao. Tuy nhiên, thời điểm tiêu thụ vịt thịt cũng bị ảnh hưởng mạnh do thị trường mua bán chậm, giá vịt lông giảm, dao động khoảng 35.000 - 36.000 đồng/kg.

Mô hình chăn nuôi bò sinh sản: Mô hình phải hoãn lịch cấp bò giống cho các hộ nghèo tại xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) từ 27/7 lùi tới 3/9 nhằm bảo đảm giãn cách xã hội. Do thời điểm cấp muộn hơn 1 tháng so với kế hoạch nên chúng tôi quán triệt cán bộ khuyến nông cơ sở phải sâu sát theo dõi, hướng dẫn bà con tập trung vỗ béo cho bò, tích trữ thức ăn cũng phòng, chống rét cho bò trong mùa Đông tới.

Với mô hình sản xuất cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm (cây Đinh lăng), quy mô 10ha tại xã An Phú (huyện Mỹ Đức): Do giãn cách xã hội, người dân không đi làm đồng cộng với thời tiết nắng nóng dẫn tới một số diện tích bị chết. Hiện, Trung tâm đã đề nghị đơn vị phối hợp cung ứng giống mới cho các hộ tham gia mô hình. Song, việc trồng mới cũng khó khăn do diện tích lớn, không thể thuê nhân công ngoài địa phương nên sẽ kéo dài thời gian trồng và ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây.

 Cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đánh giá mô hình sản xuất Nho hạ đen tại huyện Hoài Đức. Ảnh: Ngọc Ánh

Ứnng phó với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 và giãn cách xã hội kéo dài, Trung tâm đã thực hiện những giải pháp nào để thông suốt trong quá trình chỉ đạo, điều hành cũng như bảo đảm tiến độ, hiệu quả của các mô hình?

- Chúng tôi đã lập 1 nhóm zalo lãnh đạo Trung tâm và 1 nhóm zalo với các trạm trưởng để bảo đảm thông suốt trong quá trình điều hành, chỉ đạo. Đồng thời, thường xuyên họp giao ban trên phần mềm zoom triển khai công việc hàng tuần và chỉ đạo xử lý công việc phát sinh đột xuất.

Các phòng chuyên môn của Trung tâm cũng lập nhóm zalo để điều hành, trao đổi công việc, giao ban vào thứ 6 hàng tuần. Và từng mô hình cũng thành lập nhóm zalo với thành viên là các hộ nông dân, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm và cán bộ của trạm khuyến nông.

Điều đáng ghi nhận là cán bộ của các trạm rất chủ động kết nối với các hộ sản xuất, và các hộ cũng thường xuyên trao đổi công việc với cán bộ trạm thông qua việc gửi hình ảnh, thông tin về diễn biến sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi. Nên hầu hết các mô hình triển khai đều được hướng dẫn kỹ thuật kịp thời với sự nhiệt tình, sát sao của cán bộ Trung tâm và các trạm.

Ví dụ như mô hình trình diễn giống lúa ở Sóc Sơn có thời điểm bị nhiễm rầy nhẹ, ngay khi tiếp nhận hình ảnh và thông tin của các hộ, cán bộ trạm đã báo cáo tình hình với Trung tâm, ngay lập tức Trung tâm giao cán bộ phòng chuyên môn phối hợp với trạm cấp thuốc bảo vệ thực vật tận tay các hộ kịp thời phun trừ dịch hại, không để ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mô hình.

 Mô hình trình diễn giống lúa mới thích ứng với biến đổi khí hậu vụ Mùa 2021 tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Ngọc Ánh

Trong suốt thời gian vừa rồi, tình hình tiêu thụ nông sản gặp không ít khó khăn. Vậy, Trung tâm đã có hoạt động gì để góp phần chung tay hỗ trợ nông dân và các địa phương trên địa bàn TP?

- Trung tâm đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã rà soát, cung cấp thông tin các DN, hộ sản xuất nông sản trên địa bàn TP phục vụ cho hoạt động khai thác bổ sung, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Nhân dân trong thời gian giãn cách xã hội.

Chia sẻ khó khăn với nông dân, Trung tâm chủ động kết nối các DN, cơ sở phân phối nông sản với các cơ sở, trang trại, hợp tác xã để liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm giúp người dân ổn định sản xuất. Ngoài ra, Trung tâm còn chủ động liên hệ với các DN bán lẻ thông qua Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam để giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Kết quả, hàng trăm tấn nông sản đến kỳ thu hoạch đã được Trung tâm kết nối tiêu thụ kịp thời.

Cụ thể, Trung tâm giao nhiệm vụ cho phòng Thông tin tuyên truyền và Xúc tiến thương mại, phòng Quỹ Khuyến nông tổng hợp danh sách các cơ sở sản xuất (cần tiêu thụ loại nông sản gì? Sản lượng bao nhiêu?) để đăng ký về Sở NN&PTNT đề nghị Sở Công Thương kết nối tiêu thụ. Đồng thời, tổng hợp danh sách các cơ sở sản xuất gặp khó khăn trong quá trình lưu thông vận chuyển hàng hóa nông sản đi tiêu thụ, để đăng ký về Sở NN&PTNT đề nghị Sở Giao thông vận tải cấp “luồng xanh” cho 14 xe ô tô, 4 xe máy.

Từ nay đến hết năm 2021 chỉ còn chưa đầy 4 tháng. Để bảo đảm tiến độ, hiệu quả của các mô hình khuyến nông, Trung tâm sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa bà?

- Căn cứ vào tình hình dịch bệnh thực tế, Trung tâm sẽ tổ chức các đợt kiểm tra tiến độ thực hiện, nghiệm thu, tham quan, đánh giá kết quả các mô hình. Nếu TP giãn cách xã hội kéo dài, Trung tâm sẽ ủy quyền, giao nhiệm vụ nghiệm thu các mô hình cho các trạm.

Đối với các mô hình vụ Đông gồm: Sản xuất hoa lily giống mới, khoai tây giống mới, rau theo hướng VietGAP. Hiện tại, Trung tâm đã thực hiện xong công tác đấu thầu cấp giống. Riêng mô hình rau VietGAP, đến nay đã cấp giống xong cho nông dân kịp thời bắt tay canh tác vào vụ sớm.

Đáng chú ý, thực hiện chỉ đạo của TP, Sở NN&PTNT về việc đẩy mạnh phục hồi sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm của người dân (khu vực nội thành), Trung tâm phối hợp với phòng Kinh tế tham mưu cho UBND huyện, thị xã kế hoạch sản xuất vụ Đông 2021. Anh em ở các trạm luôn chủ động vừa phối hợp chặt chẽ với phòng Kinh tế các huyện, tham mưu cho huyện có chính sách hỗ trợ sản xuất vụ Đông nói chung vừa xây dựng kế hoạch triển khai mô hình khuyến nông tại các địa phương. Đến thời điểm này, một số huyện như: Phúc Thọ, Ứng Hòa đã phê duyệt kế hoạch sản xuất vụ Đông, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ 50% đối với cây vụ Đông các loại (khoai tây, ngô, rau, đậu tương…) gọn vùng, gọn cánh từ 50ha trở lên.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Trong năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức thực hiện 20 dạng mô hình, gồm: 11 dạng mô hình trồng trọt, cơ giới hóa; 9 dạng mô hình chăn nuôi - thủy sản); triển khai tại 75 điểm với 1.263 hộ, hợp tác xã tham gia.

Mục tiêu hướng tới là chuyển giao công nghệ thông qua các mô hình trình diễn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế từ 10 - 20% so với sản xuất ngoài mô hình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần