Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trường nghề chủ động ứng phó với cách mạng 4.0

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), cùng với việc đào tạo theo năng lực, một số trường nghề cao đẳng đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền mô phỏng hoạt động sản xuất để sản phẩm ra trường đáp ứng nhu cầu DN.

Hào hứng đón nhận
Theo dự báo của cộng đồng ASEAN, cuộc CMCN lần thứ 4 sẽ làm mất đi 56% việc làm trong tương lai. Việt Nam - đất nước đang phát triển sẽ có khoảng 70% công việc bị "xóa sổ" hoặc được thay thế bằng hình thức khác. Trước thực tế này, 2 năm trước, trường Cao đẳng nghề (CĐN) Cơ điện Hà Nội đã chuẩn bị các điều kiện đào tạo nhân lực cho những DN sử dụng công nghệ 4.0. Tại thời điểm này, nhà trường đã hoàn chỉnh một số dây chuyền cho đào tạo nhân lực ở lĩnh vực công nghiệp, tự động hóa và cơ điện tử. Ông Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ở Việt Nam hiện giờ đã có một số khu công nghiệp, DN FDI đầu tư dây chuyền tự động hóa chỉ cần một người vận hành và điều khiển. 3 dây chuyền nhà trường vừa nhập về mô phỏng quá trình sản xuất từ lúc cấp phôi, gia công, kiểm tra, phân loại, đếm sản phẩm và xếp hàng hóa vào kho để phục vụ dạy nghề. Chúng tôi hy vọng 3 năm nữa, sinh viên tốt nghiệp sẽ đáp ứng được yêu cầu của các DN tiếp cận CMCN 4.0”.
 Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội đầu tư 3 dây chuyền mô phỏng quá trình sản xuất từ khi bắt đầu đến thành phẩm. Ảnh: Thủy Trúc
Đào tạo theo hướng CMCN 4.0 của một số trường CĐN ở Thủ đô còn thể hiện trong chương trình đào tạo được thiết kế 70% thực hành và 30% lý thuyết phục vụ cho hoạt động thực tế của sinh viên. Đặc biệt, để nâng cao kỹ năng tay nghề, người thầy phải thực hiện được mọi công việc, từ đó hướng dẫn sinh viên làm. Vì thế, Sở LĐTB&XH Hà Nội đang phối hợp với trường CĐN Công nghiệp Hà Nội tổ chức các khóa bồi dưỡng nâng cao kỹ năng một số nghề tiếp cận 4.0 cho giảng viên nhiều trường. Các chuyên gia CHLB Đức, Hà Lan sẽ trực tiếp bổ sung những kiến thức, kỹ năng và công nghệ mới cho đội ngũ người thầy.

Tận dụng lợi thế

Phối hợp với các DN sử dụng công nghệ mới cũng là một hướng tiếp cận cuộc CMCN 4.0 hiệu quả của một số trường nghề. Nhà trường mời DN đến giám sát, đào tạo và cho sinh viên đến cơ sở sản xuất thực tập. Nói về hiệu quả của việc hợp tác nhà trường - DN, Hiệu trưởng trường CĐN Công nghiệp Hà Nội Phạm Đức Vinh cho biết: Nhà trường sẽ giảm bớt được chi phí mua thiết bị, nhiên liệu, điện, nước, thậm chí cả giáo viên. Sinh viên khi được học lý thuyết kết hợp thực hành ở DN đồng nghĩa với tiếp cận ngay vào môi trường sản xuất kinh doanh năng động. Không chỉ được hỗ trợ tiền và bữa ăn, thông qua thực tập tại DN sinh viên có thể lựa chọn chỗ làm sau khi ra trường. Về phía DN lại được tăng cường nhân lực vào đợt cuối năm khi kết thúc đơn hàng, phát triển sản xuất. DN cũng có thể tuyển chọn nhân lực mà không phải tuyên truyền, đào tạo bổ sung. Trước thực tế nhiều trường kết hợp với DN nhưng vẫn ở mức hình thức, ông Vinh cho rằng, nhà trường cần phải chủ động. Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội mới thành lập Trung tâm Hỗ trợ việc làm và quan hệ DN để tư vấn cho sinh viên và kết nối với cơ sở sản xuất.

Theo ông Phạm Vũ Quốc Bình – Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề (Bộ LĐTB&XH), ở Việt Nam, chủ yếu là các DN vừa và nhỏ. Vì thế, nội dung đào tạo xuất phát từ tiêu chuẩn nghề nhưng phải phù hợp với từng đối tượng. Đặc biệt là trao quyền tối đa cho các trường về chuyên môn, nhân sự, tài chính. “Nhưng quan trọng nhất là học sinh, sinh viên phải có kiến thức, kỹ năng sẽ có nhiều cơ hội tìm công việc tốt” - ông Bình khuyến cáo.

Chủ trương mời chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy sẽ tiết kiệm ngân sách và lại có nhiều giảng viên được theo học. Đặc biệt, chuyên gia sẽ cùng học viên giải quyết những vấn đề thực tại đang diễn ra tại Việt Nam thì việc bồi dưỡng rất hiệu quả.

Trưởng khoa Công nghệ ô tô, trường CĐN Công nghiệp Hà Nội 

Nguyễn Viết Thắng