Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trường nghề tự tìm nguồn tuyển

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thay vì sống thoi thóp, mùa tuyển sinh 2017 này, nhiều trường nghề tìm cách tự cứu mình bằng cách chủ động tiếp cận thí sinh quảng bá, giới thiệu nghề đào tạo. Bởi năm nay, các trường nghề đã được trả về cho Bộ LĐTB&XH quản lý.

Tự tiếp cận thí sinh
Biết chắc năm nay không thể tiếp cận với thí sinh (TS) qua hệ thống thông tin của Bộ GD&ĐT, nhiều cơ sở đào tạo CĐ đã cải tổ lại trang web của trường và đưa lên đó thông tin tuyển sinh và xét tuyển online. Song hành với đó, các trường cũng tận dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook) để tương tác với TS. Một kênh không kém phần quan trọng là đưa thông tin chỉ tiêu, ngành nghề đào tạo lên các phương tiện thông tin đại chúng và website của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB&XH). Ông Nguyễn Văn Huy – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ việc làm và Quan hệ DN, trường CĐ nghề công nghiệp Hà Nội cho biết: “Trường giao cho các thành viên ban tuyển sinh đến các địa phương, trung tâm giáo dục thường xuyên giới thiệu về ngành nghề, cơ hội việc làm, cũng như tư vấn chọn nghề cho TS”.
Dồn lực cho công tác tuyển sinh, nên trong tổng số 2.000 chỉ tiêu cho 28 nghề hệ CĐ và trung cấp, trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội đã “gọi mời” được trên 1.500 TS xác nhận nhập học. Trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cũng có hơn 700 TS trúng tuyển trên 1.050 chỉ tiêu hệ CĐ và trung cấp. Trường CĐ Công nghệ Hà Nội có hơn 1.000 TS đăng ký trên tổng số 1.250 chỉ tiêu hệ CĐ. Ông Trần Bình An – Trưởng phòng Quan hệ DN và tuyển sinh cho biết, nhà trường đã tới các địa phương, tuyên truyền tới từng học sinh về hoạt động đào tạo nghề theo mô hình của Đức, chú trọng trang bị kỹ năng. Đồng thời, để học sinh hiểu học nghề cũng có tương lai và thu nhập khá.
Đào tạo tại doanh nghiệp
Để giúp học viên ra trường tiếp cận nhanh hơn với công việc, năm học 2017 – 2018, trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội thực hiện chương trình đào tạo có tính cập nhật cao, cụ thể, thiết thực. Phó Hiệu trưởng Phạm Tiến Dũng thông tin: Bên cạnh các môn học chung, các môn học chuyên ngành, tùy thuộc mỗi ngành nghề, sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng sát với xu thế phát triển của khoa học công nghệ và yêu cầu xã hội. Với chương trình đào tạo linh hoạt, ngay từ năm học thứ hai sinh viên đã được trải nghiệm các khóa thực tập chuyên môn và thực tập tốt nghiệp tại DN đúng với ngành nghề đào tạo. Khi đi thực tập, sinh viên còn được trả lương từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Bà Nguyễn Hằng Nga – Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết thêm, tỷ lệ việc làm của sinh viên sau 3 tháng tốt nghiệp tăng từ  63 – 86% năm 2013 lên 90,8% năm 2016. Những em chưa tìm được việc làm được nhà trường giới thiệu vị trí khác.

Sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trong giờ thực hành.        Ảnh: Thanh Hải

Có mối quan hệ với 200 DN, trong đó khoảng 40 DN chuyên về ô tô, trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội có nhiều chương trình đào tạo phối hợp với DN. Qua đó, sinh viên được học ngay tại DN, giúp các em tiếp thu kiến thức  và kỹ năng nghề nhanh hơn. Ông Huy cho hay, trường có 355 sinh viên nghề điện công nghiệp đang học tại DN. Bình thường, những khóa học trước sinh viên có 3 tháng đi thực tập, nhưng từ năm nay, trường bố trí cho các em năm thứ hai đến DN học và làm việc như những công nhân thực thụ, hưởng lương từ 150.000 – 180.000 đồng/ngày cộng với ăn trưa. Với cách làm này, sinh viên được tiếp xúc với nhiều loại trang thiết bị để không bỡ ngỡ khi ra trường làm việc. DN cũng lại có thêm nguồn lao động khi vào mùa cao điểm. Với cách làm này, năm học vừa qua, trên 88% sinh viên có việc làm ngay trong ngày nhận bằng tốt nghiệp với mức lương khởi điểm từ 5 - 8 triệu đồng/tháng.
Việc chủ động tự quảng bá thương hiệu của mình có thể coi là một hướng đi mới của các trường nghề, thay vì thụ động chờ tuyển sinh như trước đây.  Với cách làm này các trường phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, chọn nghề gắn với nhu cầu của thị trường, phù hợp với xu thế phát triển, đổi mới phương thức đào tạo nghề hiện nay.
Bộ LĐTB&XH vừa đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tăng cường chỉ đạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển sinh TC, CĐ năm 2017. Theo đó, các sở, ban, ngành tại địa phương phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề; phổ biến các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người học, đồng thời cung cấp thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động để định hướng người học và xã hội. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh với nhiều hình thức, ưu tiên địa bàn vùng sâu xa, các đối tượng chính sách, gắn kết nhà trường và DN.