Bị thâu tóm là tất yếu
Mới đây, các hộ gia đình đang sử dụng cáp truyền hình của Công ty Điện tử và Truyền hình cáp Việt Nam - CEC (thuộc VTC) nhận được thông báo, từ ngày 1/11/2012 mạng truyền hình cáp của CEC sẽ chịu sự quản lý điều hành của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), các thuê bao của CEC sẽ được hưởng các dịch vụ của Công ty TNHH MTV Truyền hình Cáp Việt Nam (VCTV). Cụ thể, các thuê bao truyền hình cáp của CEC sẽ phải điều chỉnh hợp đồng theo quy định của VCTV. VCTV cũng sẽ áp dụng các chính sách giá cho thuê bao của CEC từ 1/12/2012 bao gồm: Giá cho tivi thứ nhất là 110.000 đồng/tháng và tivi thứ 2, 3 là 33.000 đồng/tivi/tháng. So với phí thuê bao cũ là 77.000 đồng/thuê bao/tháng, cước thuê bao mới tăng đến 33.000 đồng/tháng.
Nhân viên kỹ thuật truyền hình cáp Việt Nam lắp đặt đường dây. Ảnh: Anh Tuấn
Theo phản ánh của các hộ dân ở tổ 27C, Khu đô thị Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội), mặc dù phải trả mức phí cao hơn trước đây nhưng đa số hộ gia đình vẫn chấp nhận vì bấy lâu nay phải dùng dịch vụ của CEC kém chất lượng, thường xuyên mất sóng, mất tín hiệu, hy vọng chuyển sang dùng cáp VCTV sẽ ổn định hơn. Theo ông Hoàng Ngọc Huấn, Tổng Giám đốc VCTV, sẽ có khoảng 20.000 thuê bao của CEC được chuyển sang VCTV. Được biết, VCTV đã mua lại 51% cổ phần của CEC.
Không riêng VCTV, Công ty TNHH Truyền hình Cáp Saigontourist (SCTV) cũng đang rục rịch tiến hành thâu tóm các công ty truyền hình cáp nhỏ khác. Chính những DN truyền hình cáp nhỏ này tự tìm đến các DN truyền hình cáp lớn để xin bán lại công ty. Như vậy, nhiều khả năng trong thời gian tới sẽ có hàng loạt thuê bao truyền hình cáp được "sang tên đổi chủ" như thuê bao của CEC. Đây là diễn biến tất yếu của thị trường sau thời gian dài phát triển tràn lan, nhanh về lượng mà kém về chất.
Sẽ cắt giảm 10 lần
Viện Chiến lược Thông tin & Truyền thông (Bộ Thông tin & Truyền thông) nhận định, lĩnh vực truyền hình trả tiền của Việt Nam đang phát triển manh mún, được tổ chức theo địa phương với sự tham gia của trên 40 đơn vị. Có một số đơn vị lớn, nhưng chủ yếu là các đơn vị nhỏ có vài ngàn đến vài chục ngàn thuê bao và công nghệ chủ yếu là công nghệ cáp đồng trục cũ của những năm 50 thế kỷ trước. Thậm chí có công ty quy mô chỉ một huyện và khoảng một ngàn thuê bao. Không ít DN "mang tiếng" là cung cấp dịch vụ truyền hình cáp nhưng thực chất là… đi kéo dây, phát triển thuê bao bán lẻ cho các DN lớn như VCTV hay SCTV.
Do vậy, sau khi tính toán và cân nhắc, trong Quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh - truyền hình đến 2020, Viện Chiến lược Thông tin & Truyền thông kiến nghị sắp xếp lại theo xu hướng "giảm về số lượng và tăng về chất lượng". Cụ thể đối với lĩnh vực truyền hình cáp nên rút gọn lại còn 3 DN quy mô toàn quốc và 5 DN khu vực, nhằm tránh chồng lấn lên nhau thay vì hơn 40 DN như hiện tại. Lĩnh vực truyền hình qua vệ tinh DTH, truyền hình di động, IPTV cũng chỉ có từ 3 nhà cung cấp dịch vụ toàn quốc và 3 - 5 nhà cung cấp khu vực.
Ủng hộ việc rút gọn, "khai tử" những DN cung cấp dịch vụ truyền hình cáp kém chất lượng, song dư luận và giới phân tích khó đồng tình với ý định "ngăn sông cấm chợ" không cho các DN viễn thông có năng lực tham gia vào lĩnh vực truyền hình trả tiền của VCTV và SCTV… như phản ánh của báo chí trong thời gian gần đây. Nhiều ý kiến cho rằng, những DN có đủ nguồn lực và hạ tầng truyền dẫn như Viettel, AVG hay FPT Telecom… nên được cơ quan chủ quản khuyến khích tham gia thị trường truyền hình trả tiền, vì họ chính là những nhân tố tích cực đảm bảo thị trường không xảy ra độc quyền. Nhất là trong bối cảnh các DN truyền hình lớn đang ra sức tiến hành thâu tóm, mua lại các DN nhỏ.