Vậy truyền thông có vai trò ra sao trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và tin giả, tin không kịp thời sẽ khiến người dân hoang mang đến mức nào?
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng, Bộ Y tế Vũ Mạnh Cường, truyền thông nguy cơ là một dạng truyền thông theo thời gian thực, đối tượng là những người dân đang phải đối mặt với nguy cơ về sức khỏe, có thể ảnh hưởng đến các yếu tố về kinh tế, xã hội.
Truyền thông nguy cơ sẽ cung cấp các thông tin, khuyến nghị, ý kiến của chuyên gia. Mục đích giúp người đang đối mặt với nguy cơ đưa ra được quyết định đúng để bảo vệ mình và người thân. Các quyết định này phải dựa trên những thông tin đúng đắn. Và truyền thông phải cùng sánh nhịp với ngành y tế, nếu đi lệch nhịp thì không còn là truyền thông nguy cơ nữa.
Ông Cường cho rằng, đã có lúc chúng ta lệch nhịp, như trong đợt dịch sốt xuất huyết trước đây. Giai đoạn đó, Bộ Y tế đưa ra nhiều giải pháp như đi ngủ nằm màn, diệt lăng quăng, vệ sinh các nơi chứa nước có thể sinh muỗi… “Dịch mới bùng phát cần truyền thông về cách phòng chống bệnh, nhưng khi đó, báo chí cầm ngay máy quay đến bệnh viện quay các cảnh điều trị, bệnh nhân… Báo chí thay vì nói cho công chúng biết họ cần làm gì để phòng tránh thì chúng ta lại nói về tử vong, điều trị. Như thế là lệch nhịp”-ông Cường bày tỏ.
Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng cũng đánh giá, rất may dịch Covid-19 lần này, việc truyền thông tương đối đồng điệu. Chúng ta đã bắt đầu đi được một nhịp với nhau, đây là điều tuyệt vời để ngăn chặn dịch bệnh không lan rộng ra.
“Chúng tôi mong các tòa soạn đừng hối thúc phóng viên của mình đưa những thông tin giật gân về dịch bệnh. Các báo hãy đưa những khuyến cáo của ngành y tế về phòng chống dịch vào các bài báo, thay vì những tin tử vong, điều trị, không giúp ích gì cho các đối tượng truyền thông nguy cơ. Như vậy, chúng ta mới giúp cộng đồng, công chúng biết và ý thức được các biện pháp để bảo vệ mình và người thân”-ông Cường lưu ý.
Về tính chính xác, trung thực của dịch bệnh, ngay từ đầu khi dịch bệnh bùng phát, truyền thông y tế đã nhận được chỉ đạo của Chính phủ cũng như Bộ Y tế là trong dịch bệnh Covid-19 không được giấu bệnh. Ông Cường nhấn mạnh: “Tôi khẳng định, các thông tin Bộ Y tế đang công bố là hoàn toàn trung thực, công khai, minh bạch”.
Còn việc xuất hiện những thông tin trái chiều, tất cả chúng ta cũng nhìn thấy mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ cho các thông tin trái chiều, fake news, các thông tin không được kiểm chứng xuất hiện. Trong đó, có rất nhiều thông tin dịch không chính xác, mà “khí dung giao” là 1 ví dụ. “Một quan chức Trung Quốc phụ trách quản trị của TP, không liên quan gì đến y tế, nói về việc virus lan tỏa trong không khí, rõ ràng không có hàm lượng khoa học. Tuy nhiên, một số báo đã vội dịch, gây hoang mang cho người dân”-ông Cường nói.
May mắn, các nhà khoa học y tế của Việt Nam nhanh chóng đưa ra các thông tin chính xác để dập những thông tin gây hoang mang đó. Đặc biệt, thời gian gần đây, trên mạng lan truyền thông tin, Chính phủ Nga tuyên bố virus Corona là do rò rỉ, là nhân tạo. Sau đó, một dịch giả nổi tiếng đã phải lên tiếng do dịch sai.
“Thời gian qua, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều thông tin dịch sai, chưa được kiểm chứng từ các bác sĩ, nhà khoa học. Các thông tin không chuẩn xác sẽ gây hoang mang cho cộng đồng” - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng nhìn nhận.
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Trần Văn Phúc- Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Xanh Pôn dẫn chứng thêm câu chuyện chống dịch Mers 2015 ở Hàn Quốc. Sở dĩ thất bại vì truyền thông nguy cơ và truyền thông cộng đồng không được triển khai, dẫn đến Hàn Quốc phải trả giá rất đắt. Năm nay, Việt Nam mới làm truyền thông nguy cơ, nhưng đã được nhà báo đồng hành và đạt được hiệu quả khá cao.
Bác sĩ Phúc nhìn nhận: “Đúng là cũng có ý kiến nghi ngờ, thậm chí các đồng nghiệp của tôi ở nước ngoài cũng nghi ngờ Việt Nam làm quá tốt như vậy có phải là giấu giếm? Tôi theo dõi và khẳng định không có chuyện đó”.